Tiêu chí chọn nước giải khát cho bé mùa hè nắng nóng
- Bất kỳ loại nước giải khát nào cho bé uống cần đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Nước giải khát cho bé uống không quá ngọt vì chứa nhiều đường, sẽ làm cho bé dễ đầy bụng hoặc “ngang dạ” gây ảnh hưởng đến các bữa ăn chính của bé.
- Nước giải khát cho bé không nên pha các loại phẩm màu hóa học vì có thể gây hại đến sức khỏe của bé. Nếu cần nước giải khát có màu sắc bắt mắt, phụ huynh có thể chọn những loại nước ép từ hoa quả tươi tự nhiên, đảm bảo bổ dưỡng, vừa an toàn cho sức khỏe của bé.
- Thức uống dùng cho bé phải phù hợp theo lứa tuổi. Bé 0-6 tháng tuổi nên cho bú mẹ hoàn toàn, không cần uống thêm bất cứ loại nước gì khác vì sữa mẹ chứa một lượng nước rất dồi dào. Lứa tuổi ăn dặm 6-12 tháng, ngoài các bữa ăn chính, có thể cho bé uống thêm nước sôi để nguội, nước canh, nước cháo hoặc một ít nước ép quả tươi các loại mà bé yêu thích, tùy theo tình trạng thiếu nước của bé. Bé từ 1 tuổi trở lên, có thể uống các loại nước mà người lớn sử dụng.
Một số loại nước giải khát
Nước chanh: Chứa nhiều vitamin C, vừa có công hiệu giải khát, giải nhiệt rất tốt, còn tác dụng làm đẹp da, sát khuẩn, trị ho… cho bé.
Nước mía tươi: Tác dụng giải khát, lại bổ dưỡng cho sức khoẻ nhờ mía có vị ngọt, tính hàn, giàu dinh dưỡng, nhưng phụ huynh không nên cho bé uống quá nhiều.
Dưa hấu hay dưa bở: Gọt bỏ vỏ xay hay ép lấy nước cho một chút đường uống vừa giải nhiệt, giải khát và bổ dưỡng.
Rau má: Xay lấy nước uống, thêm chút đường cho dễ uống, có tác dụng giải nhiệt tốt.
Xoài ép: Một cốc nước xoài tươi khoảng 160ml cung cấp 75kcal và hơn 50% nhu cầu trong ngày về vitamin C cho bé.
Sữa chua: Rất tốt trong ngày hè vì có lợi cho tiêu hóa và còn có tác dụng làm đẹp da bé.
Tác hại thường gặp khi cơ thể bị thiếu nước
Nước có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe con người. Theo phản ứng tự nhiên, khi thiếu nước cơ thể sẽ ưu tiên đưa nước tới các cơ quan trọng yếu như não (tim, gan, phổi, thận); đồng thời, giảm lượng nước tới các cơ quan ít quan trọng hơn như tiêu hóa (cơ, khớp, da và niêm mạc). Chính vì vậy, dấu hiệu thiếu nước sẽ xuất hiện sớm nhất ở các cơ quan ít quan trọng này.
Những tác hại thường gặp khi cơ thể bị thiếu nước:
- Thiếu nước nhẹ và vừa sẽ làm cho cơ thể mệt mỏi, buồn ngủ, đi tiểu ít, táo bón; da khô, ngứa, vì các tế bào da thiếu nước bị bong tróc, nổi mụn trứng cá; chảy máu mũi vì niêm mạc khô, mạch máu dễ tổn thương; nhức đầu, chóng mặt, cơ bắp mềm yếu; dễ tái phát viêm tiết niệu vì ít nước tiểu nên không loại trừ được các chất cặn bã và vi khuẩn qua đường tiểu; sỏi thận cũng dễ hình thành hoặc tái sinh do sự cô đặc các chất khoáng; tăng nguy cơ viêm nhiễm vùng hầu họng, đường hô hấp do không khí qua mũi không được làm ẩm, gây kích thích và làm cho phổi nhạy cảm với khói, bụi, hóa chất, viêm mũi dị ứng…
- Thiếu nước trầm trọng dẫn đến hạ huyết áp, tim đập nhanh, tiểu tiện ít; miệng khô, rất khát nước; da, niêm mạc khô, không có mồ hôi; mắt khô và sưng đau, cơ thể mất thăng bằng.
- Theo khuyến cáo của của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lượng nước cần thiết hàng ngày cho cơ thể thay đổi tùy theo từng khu vực và theo từng lứa tuổi. Tại vùng nhiệt đới nóng ẩm như Việt Nam, do khí hậu lượng mồ hôi thải ra lớn nên lượng nước mất đi mỗi ngày khoảng 1,8-2 lít nước. Nếu ăn nhiều canh, rau thì lượng nước uống hàng ngày cần thiết đối với người lớn khoảng 1 lít (5-6 ly nước); nếu bữa ăn ít canh, rau thì nên uống nhiều hơn, khoảng 1,5 lít nước mỗi ngày. Mỗi ngày bé cần uống khoảng 50-60ml nước cho mỗi kilôgam trọng lượng cơ thể. Nhu cầu nước uống tăng lên trong một số trường hợp, như khi bé ra mồ hôi quá nhiều sau khi hoạt động thể lực hoặc trong thời tiết nắng nóng của mùa hè.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thạc