Chuyện gì chứ riêng chuyện hay quên thì chị Nhi (Lạc Long Quân, Hà Nội) tự nhận “mình là người đãng trí nhất quả đất”.
Việc luộc bình sữa, nấu cháo rồi để quên trên bếp đến khét lẹt; hay chuyện bỏ quần áo từ máy giặt ra phơi rồi để nguyên đấy cho mẹ chồng,… với chị là chuyện thường ngày ở huyện.
Chị tâm sự: “Nhiều lúc mình cũng tưởng mình bị thần kinh đến nơi. Sau khi sinh con, mình toàn nói trước quên sau. Không hiểu vài năm nữa có nhặt lá bỏ vào miệng hay ngồi cười một mình hay không?”.
Ngay từ khi sinh bé Long, chị bỗng dưng thay đổi hoàn toàn, từ một người cẩn thận tỉ mỉ, làm đâu ra đó, nay chị làm trước quên sau. Đến nay bé Long được 8 tháng tuổi, chị đã đi làm được vài tháng rồi thế nhưng chị chẳng còn tự tin như trước.
Chị nói: “Mình không thể nhớ ra tên của người mình cần gặp qua điện thoại cho dù ngay trước khi bấm máy mình biết rõ rành rành đó là ai. Khi đầu dây kia 'alo alo', mình lại ngẩn tò te, ngớ ngẩn hỏi lại ‘ớ, ai đấy nhỉ’. Nghĩ lại thật vô duyên hết mức”.
Biết mình
đãng trí, nhiều khi chị Nhi ghi note từ giấy, máy tính đến ghi cả vào tay với hi vọng cải thiện được phần nào thế nhưng đôi lần chị cũng phải mếu dở vì “chẳng hiểu mấy dòng này có ý gì?”.
Tệ hơn là chị Mai (Cầu Giấy, Hà Nội), với chị chứng đãng trí đúng là đại dịch. Lúc trước chị có trí nhớ thuộc loại rất khá, đi làm hay làm bất cứ việc gì chị không cần take note, khả năng ghi nhớ và tóm tắt thuộc diện đáng nể - điều này chị còn được sếp khen ngợi suốt. Vậy mà sau khi sinh bé, tình hình dường như khác hẳn. Có khi chị ngồi “đần thối”, nghệt mặt ra mấy tiếng đồng hồ chỉ để nghĩ ngợi xem trưa hôm qua, hôm kia mình ăn cái gì, ở đâu, sáng nay con dậy lúc mấy giờ, chồng vừa gọi nhắc cái gì...
Ngoài quên đồ đạc, quên việc phải làm, quên cháo đang đun dở, chị còn nhiều lần quên cả tên chồng. Nhầm tên với ai không nhầm, chị nhầm đúng tên chồng với tên người cũ. Điều này không ít lần khiến anh chị to tiếng với nhau.
Dù thông cảm lắm nhưng anh vẫn giận, nhìn chồng bảo: "Eo, vô duyên thế nhờ", chị lại hứa hẹn: “Nhầm nốt lần này thôi anh, em hứa đấy”. Thế nhưng cứ khi nào hai vợ chồng đang vui vẻ cười đùa với nhau mà anh lại xịu mặt, đi ra chỗ khác là y như rằng chị biết “thôi chết, lại bé cái nhầm rồi”.
Ảnh minh họa
Chị Ngân (Yên Ninh, Hà Nội) không ngày nào là không quên rút chìa khóa nhà, khóa xe, may sao mấy lần toàn được bác hàng xóm rút hộ.
“Mình đi ra ngoài cả chiều chẳng hay biết gì cứ để khóa chòng chọc nằm trong ổ. Lúc về mình tá hỏa chạy ngược xuôi lục tung cốp xe, túi xách chẳng thấy khóa đâu. Thấy mình hớt hải chạy ngang chạy dọc, bà hàng xóm mới tủm tỉm ra nhắc: 'Lần thứ 5 trong tuần rồi nhé"’.
Điển hình gần đây, vì tật hay quên của mình mà chị “ôi chao là xấu hổ”.
Sáng hôm đó, chị có việc gấp cần phải giải quyết mấy việc ở đại sứ quán – chị hồn nhiên tung tăng lên đó trong tình trạng quên bra.
Dù áo hôm đó chị mặc tối màu lại lắm bèo nhún nhưng sau khi có vài ánh mắt lạ của người xung quanh ưu ái dành cho, chị mới nhìn lại mình. Chạy ngay về nhà, mặt mũi đỏ lừ như gà chọi, chị chỉ ước có cái hố nào chui luôn xuống để giấu mặt.
Các mẹ chia sẻ kinh nghiệm trị chứng đãng trí sau sinh
Đãng trí sau sinh là một hiện tượng khá phổ biến ở nhiều chị em. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra:
- Có thể do quá tập trung lo lắng cho em bé (đặc biệt với những người lần đầu làm mẹ) nên người mẹ sao nhãng những việc xung quanh.
- Trải qua quá trình vượt cạn mệt mỏi, đau đớn khiến nhiều chị em bị căng thẳng.
- Ngủ không đủ giấc, suy nghĩ quá nhiều vì chăm sóc con, điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng tới trí nhớ của người mẹ...
Chị Thủy (Linh Đàm, Hà Nội) là một member rất nổi tiếng trên diễn đàn dành cho mẹ và bé, trước đây chị cũng từng là một nạn nhân của “đại dịch” này. Cho chị rằng, giấc ngủ và sự nghỉ ngơi là biện pháp tốt nhất khiến trí nhớ của chị em được cải thiện. Chị may mắn có ông bà nội ngoại tuy đã về hưu nhưng còn khỏe mạnh, ông bà đỡ đần việc chăm con nên chị dành phần lớn thời gian để nghỉ ngơi và ngủ khi có thể.
Lúc đầu, đúng là chị có hay quên thật nhưng sau một thời gian ngắn, mọi thứ đều ổn định, trí nhớ của chị được cải thiện rõ rệt.
Không may mắn như chị Thủy, chị Kim (Quận 3, TP HCM) từ khi sinh con, chị không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi. Thêm vào đó, tâm lý lần đầu làm mẹ khiến chị như “bốc hỏa” khi đứng trước những thay đổi nhỏ của con. Từ đó, việc gì liên quan tới con thì chị nhớ chứ những việc khác chị chẳng để tâm.
Sau khi trở lại với công việc, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới chị, biết điều này kéo dài sẽ không ổn, chị nhờ thêm sự giúp đỡ của chồng, thuê thêm một người giúp việc, chị dành thời gian nghỉ ngơi, tập thể dục, sắp xếp công việc ổn thỏa, tự chăm sóc cho mình bằng chế độ ăn uống hợp lý. Chị hài lòng khi hiện tượng này ngày một được cải thiện.