Hàng ngày cháu ăn 3 bữa cháo hạt, mỗi bữa khoảng một bát con và 2 bữa sữa khoảng 400ml, thỉnh thoảng ăn thêm sữa chua và nước cam. Cháu cũng đang tập ăn cơm, nếu thay cháo bằng cơm thì cháu có thể ăn được lưng bát con cơm.
Tháng nào cháu cũng tăng cân đều đặn. Với cân nặng hiện nay tôi biết cháu đang bị béo phì. Tôi thực sự thấy lo lắng. Tôi muốn hỏi bác sĩ rằng chế độ ăn của cháu như thế có nhiều không? Và tôi nên cho cháu ăn uống như thế nào để cháu bớt tăng cân đi và tăng thêm chiều cao? (Jenny Vu - jennyvu...@gmail.com)
Ảnh minh họa
Trả lời:
Chào bạn!
Với thông tin bạn cho biết chúng tôi chỉ có thể trả lời như sau:
Con trai của bạn có chiều cao tương đối nhưng có tốc độ tăng cân quá nhanh so với chuẩn (trung bình bé trai 18 tháng tuổi cao 82,3cm, nặng 10,9kg) và hiện bé có tình trạng thừa cân béo phì độ III so với tuổi.
Mặc dù bé bé phát triển (vận động, mọc răng và ngôn ngữ…) tương đối bình thường, nhưng không rõ tốc độ tăng cân hiện tại của bé cụ thể ra sao, bạn chỉ cho biết là bé tăng cân đều đặn. Hơn nữa mục tiêu điều trị béo phì trẻ em khác với người trưởng thành, ngoài việc tập trung vào ngăn ngừa tăng cân nhanh, còn cần phải cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho sự lớn lên và phát triển của trẻ, đặc biệt là các vi chất dinh dưỡng: canxi, sắt, kẽm... Do vậy bạn cần sớm đưa bé tới gặp bác sĩ để nhận được tư vấn cụ thể hơn.
Chế độ ăn hiện tại của bé (600ml cháo hạt + 400ml sữa công thức + thêm sữa chua và nước cam) là phù hợp. Tuy nhiên cần xem tổng lượng thực phẩm trong 1 bát cháo của bé có nhiều so với lứa tuổi không? Bạn chưa nên cho bé ăn cơm, chỉ nên cho bé tập ăn cơm nát khi tròn 12 tháng tuổi.
Trong quá trình điều chỉnh cân nặng cho bé bạn cần lưu ý:
Khẩu phần ăn của bé cần đầy đủ, cân đối và phù hợp với lứa tuổi, nên phối hợp nhiều loại thức ăn, tránh ăn một loại thực phẩm nào đó. Nên nhai kỹ và ăn chậm (25-30 phút/bữa), ăn đúng bữa, không bỏ bữa, không để bé quá đói, vì nếu bị quá đói bé sẽ ăn nhiều trong các bữa sau làm mỡ tích luỹ nhanh hơn.
Cháo, bột nên tăng cường rau xanh… và cần có mức năng lượng thấp, nên giảm dầu (mỡ) so với lứa tuổi và không cho thêm các thực phẩm nhiều béo như bơ, phomat, sữa giàu béo… Không nên ăn sau 20 giờ, đặc biệt là trước khi ngủ. Không nên ăn nhiều quá, thể tích mỗi bữa phải phù hợp với lứa tuổi. Bạn nên hạn chế cho bé ăn các loại quả quá ngọt như xoài, na, chuối... mà nên cho bé ăn những loại quả ít ngọt hơn như thanh long, đu đủ, dưa hấu...
Giúp bé tăng cường hoạt động thể lực (so với điều trị bằng chế độ ăn, tăng cường hoạt động thể lực tỏ ra có hiệu quả hơn, giúp trẻ phát triển chiều cao và duy trì sức khoẻ tốt) bằng cách hướng dẫn và tạo niềm thích thú của bé đối với các hoạt động như đi bộ, chạy, tập leo cầu thang, đạp xe 3 bánh, cất dọn đồ chơi, đồ dùng phù hợp với bé. Hạn chế cho bé ngồi xem tivi, video, trò chơi điện tử...
Chúc bạn và bé luôn được mạnh khỏe, hạnh phúc!