Các nhà khoa học tiên đoán rằng, một mảnh lớn vật chất lạ trong không gian sẽ đi lạc và rơi xuống Trái đất vào lúc 6:20 theo Giờ phối hợp quốc tế (UTC), ngày 13 tháng 11. Vị trí thiên thạch rơi xuống sẽ ở biển Ấn Độ Dương, cách bờ biển phía nam Sri Lanka 65km. Với mã số WT1190F, vật thể kì lạ này chỉ mới được nghiên cứu lại gần đây, bởi các nhà khoa học đã bị mất dấu quỹ đạo bay của nó sau khi nó bay vòng qua Mặt trăng.
Ảnh minh họa. Nguồn: NASA's Marshall Space Flight Centre/Flickr
Vật thể này có kích thước dài từ 1 đến 2 mét và đang trong quá trình va chạm với Trái đất. Đây chính là một cơ hội hiếm hoi cho các nhà khoa học quan sát và ghi nhận toàn bộ quá trình va chạm của một vật thể vũ trụ với hành tinh xanh, từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc.
WT1190F được xác định chỉ một vài tuần trước bởi Đài quan sát thiên văn Catalina thuộc Đại học Arizona tại Mỹ. Quỹ đạo của WT1190F được tính toán dựa trên những dữ liệu quan sát của năm 2012 và 2013 trong các tài liệu lưu trữ của các thế hệ kính thiên văn cũ. WT1190F di chuyển theo quỹ đạo hình elip rất lớn, gấp đôi khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trăng. Quỹ đạo này cho thấy cấu trúc bên trong WT1190F có mật độ vật chất thấp hoặc phần lớn là trống rỗng.
Vật thể này có thể là một bệ phóng tên lửa đã qua sử dụng hoặc một tấm pa nô mặt trời dùng trong sứ mệnh lên Mặt trăng nhiều năm về trước. Niên đại của mảnh vật chất này bắt nguồn từ nhiều thập kỷ về trước, có thể là trong giai đoạn phóng tàu Apollo. Vào năm 2002, một vật thể lạ bay xung quanh Trái đất cũng được xác định là một phần của tên lửa Saturn V trong nhiệm vụ đưa người đầu tiên lên Mặt trăng.
Nếu các nhà khoa học xác định rằng đây là một thứ tạo ra bởi chúng ta và phóng vào không gian nhiều năm về trước, thì đây là lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta có sự ghi nhận về việc rác thải không gian quay ngược về Trái đất.
Phần lớn những vật thể rơi xuống Trái đất sẽ bị cháy rụi trong bầu khí quyển. Và những gì còn sót lại sẽ rơi xuống biển Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, phần còn lại của WT1190F khi rơi xuống biển cũng sẽ gây ra những tác động khá lớn.
Tuy WT1190F không gây nguy hiểm đối với Trái đất, nhưng đối với các nhà khoa học, đây là một cơ hội tuyệt vời nhằm kiểm tra hệ thống phòng thủ địa cầu chống lại những thiên thạch to hơn và nguy hiểm hơn trong tương lai.
Một thông tin khác là vào ngày 31 tháng 10 này, thiên thạch có mã số 2015 TB145 – một tảng đá có kích thước to lớn lao đi trong không gian với vận tốc hơn 126,000 km/h sẽ bay gần Trái đất hơn bao giờ hết. Đây là lần thiên thạch và Trái đất có khoảng cách gần nhất kể từ tháng 7/2006.
Chúng ta gần như quên rằng hành tinh của chúng ta chỉ là một phần rất nhỏ bé trong một hệ thống khổng lồ, đông đúc và đầy hỗn loạn của Hệ Mặt trời, với số lượng thiên thạch, sao chổi nhiều không đếm xuể và hàng tá lượng rác vũ trụ mà chúng ta thải ra. Chính vì thế, sự đề phòng luôn luôn là một điều cần thiết nếu không muốn thảm họa tuyệt diệt xảy ra đối với loài người.