Trò chuyện với PV về y đạo, kỹ thuật y khoa và y đức, GS.TS Đỗ Kim Sơn nói:
- GS.TS Đỗ Kim Sơn: Tôi được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân năm 2000, nhưng đó chỉ là danh hiệu, còn rất nhiều người không có danh hiệu nhưng được xã hội kính trọng. Với ngành y, người bệnh quý mình, tin mình, tôn trọng mình, điều đó quan trọng hơn nhiều.
Đau xót vì con người vô đạo
* Thưa GS, gần đây VN có những tiến bộ vượt bậc về y khoa, có thiết bị máy móc tiên tiến. Nhưng vì sao người bệnh còn chưa tin thầy thuốc, có khi họ còn đi nước ngoài chữa bệnh?
- Đó là một điều buồn, vì chất lượng và cách tổ chức khám chữa bệnh, mong mỏi của bệnh nhân đối với thầy thuốc không được đáp ứng như mong đợi. Đã là thầy thuốc, dù có danh hiệu nào hay bình thường đều phải có cái tâm. Nghĩ gì, làm gì cũng phải nghĩ đến lương tâm, y đạo - kỹ thuật khám chữa bệnh và y đức - lương tâm thầy thuốc luôn phải song hành.
Gần đây, nhiều người nói đạo đức thầy thuốc xuống cấp cũng chưa phải. Song cũng có một số cá nhân - không phải ít đâu - chưa thông cảm với người bệnh, chưa nhìn toàn diện. Có người khám bệnh kê đơn để bệnh nhân ra nhà thuốc mình có cổ phần hay được nhận hoa hồng, đó là vô đạo.
Hay bệnh đơn giản thôi, nhưng yêu cầu bệnh nhân dùng kỹ thuật cao để mình được hưởng lợi. Mặt trái của cuộc sống đã nguy hiểm, mặt trái ở nghề y càng nguy hiểm.
* Là thầy của nhiều thế hệ thầy thuốc ngoại khoa, GS thấy thế hệ của mình và thế hệ hiện nay khác nhau điều gì?
- Thế hệ thầy thuốc trẻ bây giờ rất giỏi, họ giỏi công nghệ, giỏi kỹ thuật, ngoại ngữ, được tạo điều kiện cập nhật kiến thức ở nước ngoài. Nghề y không chỉ trông vào kinh nghiệm, nếu không được cập nhật kiến thức mới anh sẽ tụt hậu.
Tôi vừa điều hành một hội thảo về mổ gan, mật, ghép gan, tim, tôi thấy các bác sĩ trẻ trình bày nhiều công trình rất hay. Điều khác so với trước chỉ là tiếp cận bệnh nhân, không dám nói kém nhưng mà hạn chế, vì phương tiện máy móc tạo điều kiện cho người ta nhiều thuận lợi quá. Có trường hợp bệnh nhân bị tai nạn phải cưa chân đã kiện bệnh viện. Khi tôi hỏi lý do vì sao kiện, cô ấy nói bác sĩ không giải thích cho cô ấy. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của bệnh nhân khi cắt đi của họ một bộ phận thân thể để hiểu với họ.
* Tại cuộc gặp gỡ gần đây với bộ trưởng Bộ Y tế, có đại diện cơ quan báo chí đã công bố bằng chứng thầy thuốc ở bệnh viện lớn, không khó khăn nhưng vẫn nhận tiền của bệnh nhân nghèo. Ở vị trí thầy thuốc, GS nhận định như thế nào về đồng nghiệp của mình hôm nay?
- Khi còn làm giám đốc Bệnh viện Việt Đức, tôi có nói với các thầy thuốc muốn vào làm ở Việt Đức cần hai điều kiện: 1. Bệnh viện không phải nơi làm giàu mà là nơi phục vụ; 2. Muốn làm giàu thì đi chỗ khác, làm nghề khác. Thật ra ai cũng có nhu cầu được giàu có, lo cho người thân cuộc sống sung túc, nhưng phải làm giàu chân chính, chứ không phải làm giàu bằng hành vi làm khó dễ người bệnh để lấy tiền của họ.
* Theo GS, muốn phục hưng y đức - lương tâm thầy thuốc, nên bắt đầu từ đâu?
- Từ khi vào trường y, từng cơ sở phải dạy cho sinh viên và thầy thuốc của mình. Từ gần 20 năm nay, hằng năm Pháp vẫn hỗ trợ Bệnh viện Việt Đức đào tạo y tá, chỉ là học rửa tay thế nào, lau bàn thế nào cho sạch, đẩy xe thế nào, băng cho bệnh nhân thế nào...
Những cái đơn giản chứ không phải cao xa nhưng phải học liên tục, không phải một lúc là xong. Học cả cách tôn trọng bệnh nhân, không quát tháo, không khinh khỉnh. Ở một số bệnh viện quốc tế hay bệnh viện ở nước ngoài tôi từng có dịp thăm và làm việc, có khi kỹ thuật của họ rất bình thường nhưng cái tốt ở họ là thái độ phục vụ. Mình thì ngược lại, kỹ thuật có khi tốt nhưng điều kiện phục vụ lại kém.
Nhân viên của mình thiếu sự tận tụy, cứ coi người ta đến để nhờ vả mình, để mình ban ơn. Bệnh nhân là khách hàng của bệnh viện, lẽ ra khách hàng là thượng đế nhưng chỉ thấy người phục vụ quát thượng đế. Điều này cần phải dạy lại, học lại.
Các y bác sĩ thuộc Chi hội từ thiện Tâm Việt (Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TP.HCM) khám bệnh cho người nghèo ở Bình Thuận sau Tết Nguyên đán 2012
Thầy thuốc phải tận tụy
* Là thầy thuốc nhân dân, theo GS, thế nào là thầy thuốc nhân dân như đúng nghĩa của từ này?
- Đối với tôi, thầy thuốc nhân dân đúng như nghĩa là phục vụ nhân dân hết lòng. Trước đây khó khăn về điều kiện, bệnh nhân chỉ được xét nghiệm thông thường, chụp phim X-quang, thầy thuốc phải quan sát, theo dõi người bệnh thật kỹ mới có thể chẩn đoán bệnh. Bây giờ có nhiều phương tiện hơn, chụp cộng hưởng từ, CT, siêu âm, nhiều phương tiện quá nên có khi phần thăm khám lâm sàng bị nhẹ đi, trong khi mỗi người bệnh mỗi khác, không ai giống ai.
Tôi mong mỗi thầy thuốc là một người chữa bệnh tận tụy, tiếp cận bệnh nhân, giải thích cho người bệnh chứ không chỉ thăm khám qua loa rồi giao cho điều dưỡng. Máy móc thiết bị nhiều nhưng không phương tiện nào có thể thay thế kinh nghiệm và trái tim của người thầy thuốc.
* Vừa rời vị trí chủ tịch Hội Ngoại khoa VN, sau bao nhiêu năm làm giám đốc bệnh viện rồi chủ tịch hội, giờ chính thức chỉ làm nghề, GS có điều gì muốn nhắn nhủ các đồng nghiệp?
- Thầy thuốc không phải là người ghi đơn thuốc nhiều tiền mà là người ghi đơn thuốc phù hợp với người bệnh, phù hợp bệnh, phù hợp với khả năng của người bệnh. Thứ nữa là gần với bệnh nhân hơn.
Bây giờ thời gian tiếp cận bệnh nhân ít quá, là điểm yếu của các thầy thuốc trẻ. Ngoài ra, thầy thuốc cũng phải có tầm nhìn, sau mỗi người bệnh là đại gia đình họ, nếu người ta khỏi bệnh thì đó là hạnh phúc, nếu không là thảm kịch cho cả gia đình. Hãy đặt mình vào vị trí của họ mỗi khi quyết định.
Nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế giai đoạn 2012-2016
Đó là chủ động phòng chống dịch bệnh, giảm tải các bệnh viện, đổi mới cơ chế tài chính công lập, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, tăng cường mạng lưới y tế cơ sở, nhân lực y tế, thí điểm khám chữa bệnh theo nhu cầu và nâng cao hiệu quả truyền thông, giáo dục sức khỏe.
Riêng năm 2012, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ đề án giảm tải bệnh viện, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, đề án tổng thể nâng cao chất lượng dân số VN, đề án phát triển y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao...
Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp giảm tải bệnh viện, quy hoạch bệnh viện theo hướng phân hạng, bệnh viện tuyến dưới có thể phát triển kỹ thuật của bệnh viện tuyến trên, đồng thời quản lý chất lượng khám chữa bệnh, kê đơn, sử dụng thuốc, chống lạm dụng thuốc, lạm dụng xét nghiệm, dịch vụ cao gây tốn kém, ảnh hưởng không có lợi đến người bệnh.
(Trích phát biểu của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2012 vừa diễn ra ở Hà Nội)
|
(tapchigiadinh.com.vn) -
Theo Lan Anh (Tuổi trẻ)