Khi mới bắt đầu tiến hành thí nghiệm trồng cây trong chai thủy tinh bịt kín vào năm 1960, ông Latimer không thể ngờ cái cây mình trồng sẽ sống lâu đến thế.
|
Khu vườn kỳ lạ bên trong chiếc chai. |
Ban đầu, người làm vườn Latimer vẫn mở nắp để tưới cho cây 2 lần trong12 năm đầu tiên kể từ khi bắt đầu. Vì nhận thấy khu vườn vẫn phát triển tốt nên năm 1972, ông Latimer quyết định gắn chặt nắp của chiếc chai để khẳng định quãng thời gian cây tồn tại tách biệt bên trong chiếc chai. Hơn 40 năm sau, cái cây vẫn sống, sinh trưởng và phát triển mạnh dù nó hoàn toàn không được tưới thêm nước hay cho hít thở không khí.
Quá ngạc nhiên về khả năng phát triển kỳ diệu này, ông lão David Latimer đã chụp ảnh khu vườn trong chiếc chai và gửi câu hỏi tới chương trình Giải đáp câu hỏi người làm vườn của kênh Radio 4. Các chuyên gia giải thích rằng, thí nghiệm của ông là cách mô phỏng hoàn hảo vòng tuần hoàn khép kín của nước và dưỡng chất bên trong chiếc chai.
Theo đó, nút chai khép kín khiến nước hoàn toàn không bị bay hơi. Nó được cây sử dụng, thoát ra sau đó lắng đọng trở lại xuống dưới, bắt đầu lại vòng tuần hoàn. Trong khi đó, vi sinh vật và vi khuẩn sống bên trong đất tạo ra khí CO2 cần thiết cho quá trình quang hợp của cây trong khi nó tạo ra khí oxy duy trì sự sống của vi sinh vật và vi khuẩn.
|
Lá cây vẫn xanh mướt dù phải sống tách biệt với môi trường bên ngoài. |
Sự kết hợp hoàn hảo bên trong chiếc chai tạo ra một môi trường sống khép kínhoàn toàn với môi trường. Chỉ cần cung cấp đủ ánh sáng trong điều kiện nhiệt độ bình thường, cái cây sẽ tiếp tục phát triển mà không cần thêm sự cung cấp từ bên ngoài. Tuy nhiên, khu vườn không có điều kiện phát triển mạnh như cây sống ngoài tự nhiên bởi không đủ dưỡng chất để đáp ứng đủ nhu cầu sinh trưởng.
Guy Barter, chuyên gia tại Hiệp hội Làm vườn Hoàng gia cho biết, việc khu vườn bên trong chiếc chai tồn tại lâu là điều “rất không bình thường”. “Nó thực sự kỳ lạ. Nếu sống hơn 50 năm bên ngoài môi trường, nó sẽ phát triển thành những cá thể hùng mạnh. Tuy nhiên, sống trong chiếc chai, chúng phải bám víu vào dưỡng chất ít ỏi để duy trì sự tồn tại”.
HỒNG DUY