|
Rất đông người đến khám mắt tại Bệnh viện Mắt T.Ư trong những ngày này |
Bệnh viện Mắt T.Ư hôm nay rất đông bệnh nhân chờ khám mắt.Chị Nguyễn Thị Hồng Mai, nhà ở quận Hà Đông (Hà Nội) đưa con đi khám mắt cho biết, chị đã phải đi từ rất sớm nhưng vẫn phải chờ đến gần trưa mới đến lượt vào khám cho con. Cuối tuần trước, cháu Nam (8 tuổi) - con trai chị Mai có biểu hiện mắt đỏ, ngứa… quấy khóc.
Lo ngại mắt cháu có vấn đề nên sáng nay chị đưa con đến Bệnh viện Mắt T.Ưkhám sớm. “Đến đây mới biết cũng có nhiều người bị đau mắt đỏ giống con mình. Lúc về, bác sĩ còn dặn, đang có dịch đau mắt đỏ nên cả nhà phải chú ý phòng bệnh”, chị Mai chia sẻ.
Còn anh Nguyễn Đình Tuấn (26 tuổi) làm công nhân ở H.Kinh Môn, Hải Dương cho biết, khu trọ của anh có rất nhiều người bị đau mắt đỏ.
“Lúc đầu chỉ có một hai người thấy mắt nổi cộm, ngứa, chảy nước mắt nhiều… Bọn em chủ quan cho đó là bị bụi bay vào mắt. Không ai đề phòng gì nên khoảng 3 ngày sau, quá nửa số người trong xóm trọ bị, đi khám mới biết là bệnh đau mắt đỏ”, anh Tuấn cho biết.
Cũng theo anh Tuấn, nhiều công nhân ở khu công nghiệp huyện Kinh Môn phải nghỉ việc vì mắc bệnh đau mắt đỏ.
Tại Bệnh viện Mắt T.Ư chiều nay, số lượng bệnh nhân đến khám mắt rất đông. Trong đó, có không ít bệnh nhân là trẻ em được bố mẹ bồng bế đến khám.
|
Bệnh nhân đau mắt đỏ chiếm khoảng 10% trong số bệnh nhân đến khám mắt tại Bệnh viện Mắt T.Ư hằng ngày |
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt T.Ư cho biết, số bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám bắt đầu tăng từ tuần qua. Bệnh nhân đau mắt đỏ chiếm khoảng 10% trong số 1.200-1.500 bệnh nhân đến khám mỗi ngày. Hiện là bắt đầu mùa dịch đau mắt đỏ do vi-rút, dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Vì bệnh này do vi-rút nên việc điều trị cần có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để tránh bội nhiễm.
"Chúng tôi đã gặp các bệnh nhân tự mua thuốc nhỏ có thành phần là corticoid. Những thuốc này sử dụng không đúng giai đoạn làm giảm khả năng miễn dịch, có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh. Hậu quả của điều trị không đúng có thể gây viêm loét giác mạc, giảm thị lực, mất thị lực.
Rất nhiều bệnh nhân chủ quan vì khi có biểu hiện ban đầu: cảm giác cộm, gỉ mắt nhiều lại cho rằng tại nước hồ bơi, tại côn trùng hoặc cát bụi bay và mắt nên tự mua thuốc nhỏ. Nhiều trường hợp mua thuốc theo quảng cáo dùng trong 3-4 ngày, thậm chí cả tuần không khỏi rồi mới đến bệnh viện khi bệnh trong tình trạng nặng", bác sĩ Cương cho biết.
Theo bác sĩ, bệnh đau mắt đỏ do virus rất dễ lây lan nên tránh tiếp xúc trực tiếp. Phải dùng riêng khăn mặt, chậu. Vì virus có trong nước bọt nên có thể lây dễ dàng khi tiếp xúc gần, khi dùng chung đồ dùng cá nhân: chén, ly, muỗng...
Nên chủ động phòng lây nhiễm bằng cách tránh tiếp xúc nguồn bệnh. Chú ý vệ sinh bàn tay, không dụi mắt bằng tay.
Thường đau mắt đỏ xuất hiện ở trước ở một bên mắt, do đó không dùng chung thuốc/nước muối rửa mắt 0,9% nhỏ mắt đau và mắt lành.
Người đau mắt đỏ nên nghỉ ngơi, không nên đến nơi đông người tránh lây sang người khác. Rửa tay sạch sau khi tra thuốc mắt.
Theo Thanh Niên