Qua thời gian, các loại động vật, thực vật, khoáng vật được dùng chế xuân dược càng nhiều. Theo nghiên cứu của y học hiện đại, nhiều dược liệu để điều chế xuân dược cổ đại quả là có tác dụng tráng dương, kích thích sinh dục, chỉ có điều người xưa đã phủ lên nó bức màn huyền bí, thậm chí hoang đường.
Chủng loại của xuân dược
Theo Khai Nguyên Thiên Bảo di sự viết về Đường Huyền Tông: “Minh Hoàng sủng ái Dương Quý Phi, không màng triều chính. An Lộc Sơn muốn hưởng thánh ân bèn tìm dâng 100 viên thuốc gọi là “Trợ tình hoa hương”, to như hạt gạo, màu đỏ. Mỗi khi vào hậu cung thì ngậm một viên, dục tình bộc phát, giao hoan bền bỉ, gân cốt không mỏi. Ngoài ra, những chuyện về Tùy Dạng Đế hay trong cung đình triều Minh, Thanh đều có liên quan đến xuân dược. Tất nhiên, việc cụ thể về nhân vật hay sự kiện là không đáng tin nhưng truyền thống sử dụng xuân dược của người Trung Hoa cổ, đặc biệt trong chốn cung đình, là không thể nghi ngờ.
|
Cung nữ chờ thánh ân. |
Dược tính của xuân dược có 2 loại: Loại thứ nhất có hiệu ứng kịch liệt, sau khi sử dụng là có tác dụng ngay trong một thời hiệu nhất định. Khi thuốc phát tán bắt buộc phải thực hiện tính giao, nếu không “lửa dục đốt thân, hậu quả khôn lường”. Loại thứ hai có tác dụng hòa hoãn, sử dụng lâu dài mới có hiệu quả, vì thế xuân dược loại này khó phân ranh giới với các loại “bổ dược”. Theo lý luận Trung y, căn bản của tráng dương là ở bổ thận vì thận tàng tinh, chủ khí tiên thiên, bổ thận có ích cho việc kéo dài tuổi thọ. Bởi thế, trong các bài bổ dược được gọi là có tác dụng “diên niên ích thọ” hầu hết đều có thành phần “tráng dương” và “tư âm”. Những dược liệu như lộc nhung, câu kỷ là loại bổ dương thường dùng nhất thời cổ.
Loại xuân dược “nội phục” - uống trong, cũng có tác dụng với nữ giới, uống vào có thể kích thích người nữ xuân tình rạo rực, khó lòng kiềm chế. Đây không phải là vô căn cứ, trong dược phẩm cổ đại và hiện đại đều có loại thuốc kích dục này.
Tên gọi của các loại xuân dược cũng tuân theo quy định riêng. Có loại chỉ rõ vị thuốc chủ yếu được dùng, như: “Hưng dương ngô công đại” (dùng con rết), “Long cốt trân châu phương” (dùng xương hóa thạch), “Hải cẩu đại bổ tễ” (dùng thận hải cẩu). Có loại chỉ rõ công dụng, như “Trị nam tử linh âm trưởng đại phương” (làm dương vật lớn ra), “Linh nữ ngọc môn tiểu phương” (làm âm đạo nhỏ lại). Có loại lại mượn tên trong truyền thuyết, như “Đát Kỷ nhuận hộ phương”, “Thủy Hoàng đồng nữ đan”, “Võ Tắc Thiên hoa tâm động”, “Tố Nữ ngộ tiên đan”…
Các loại thực phẩm, dược phẩm bổ dươngQua thời gian, các nhà y thuật cũng dần vén bức màn thần bí của các loại xuân dược. Ví dụ, loại thuốc nhục thung dung (crobanche coerulescens) có ở vùng Tân Cương, Nội Mông, trong Thần Nông bản thảo kinh xếp vào hạng thượng phẩm, có tác dụng “bổ thận, tráng dương, dưỡng ngũ tạng, ích tinh khí”. Theo phân chất hiện đại, loại thuốc này có chứa nhiều vitamin E, chất trung tính kết tinh vegeto alkali, có tác dụng trị liệt dương, xuất tinh sớm, làm tăng trọng lượng tử cung, tăng tiết nước bọt, hạ huyết áp… Nhưng trong Dậu Dương tạp trở đời Minh thì nhục thung dung có xuất xứ ly kỳ: “Nhục thung dung sản sinh ở vùng biên ải phía Tây, vùng cây cổ thụ. Nó là do bầy ngựa tụ lại, giao hợp với nhau, tinh rơi xuống đất mà mọc lên. Da như vảy tùng, thân mềm nhuận như thịt. Những phụ nữ không chồng miền biên ải thường dùng nó để trợ dâm. Thứ này một khi gặp âm khí thì lớn nhanh rất mau, nên hái làm thuốc thì làm mạnh dương đạo, bổ âm ích tinh”.
Con tắc kè (cáp giới, gekko gekko) người xưa gọi là loài có “tính dâm” vì thấy chúng giao cấu cả ngày không rời. Loại tốt nhất là tắc kè ở Ngô Châu, Quảng Tây, đem sấy khô nghiền bột uống hoặc dùng cả đôi ngâm rượu đến khi có màu xanh ngọc bích là dùng, được xưng là “tráng dương đại bổ”. Vì thế, tắc kè là một dược liệu chủ yếu trong xuân dược cổ đại. Ngoài ra, thường thấy các loại như hải mã, lộc nhung, đinh hương, câu kỷ, ba kích, thù du, xà sàng tử, thố ty tử, nhân sâm, phục linh, dương khởi thạch… Còn có những thứ quái dị như vân mẫu (mica), thạch hôi (vôi), tử hà xa (nhau thai), thậm chí cả thai nhi… Quả là để thỏa mãn nhu cầu tình dục, người ta đã không từ một thứ gì.
Trong rất nhiều sách viết về tình yêu và tình dục của Trung Quốc xưa, tuy tuyên truyền công hiệu của xuân dược nhưng lại không tán thành việc sử dụng thứ thuốc kích thích này. Những nhân vật sử dụng xuân dược đều thuộc phản diện và có kết cục thê thảm. Xuân dược thường quan hệ mật thiết với quan điểm “Túng dục vong thân”, điều này là nhất quán. Điển hình nhất là “Kim Bình Mai” đã cho Tây Môn Khánh mất mạng vì uống quá lượng xuân dược của Phan Kim Liên; trong Triệu Phi Yến ngoại truyện, Hán Thành Tổ cũng chết thảm vì uống xuân dược quá liều; Lý Thủ Bị trong Kim ốc mộng cũng chết tương tự…
Tâm lý và xuân dược
Thái độ phủ định xuân dược một cách phổ biến lại phù hợp với lý luận trong thuật phòng trung “xuân dược tốt nhất là ái tình”, đây chính là vấn đề tâm lý. Ngay trong các tác phẩm văn học Trung Quốc hiện đại vẫn mang tính kế thừa một cách tự giác về quan điểm này. Như Trang Chi Điệp trong Phế đô là nhân vật vốn mắc chứng liệt dương, anh ta không thể “làm ăn” gì với vợ mình là Ngưu Nguyệt Thanh - là một mỹ nhân, nhưng bất ngờ anh ta lại “làm ăn” được với tình nhân Đường Nguyệt Nhi, đó là vì anh ta với vợ đã không còn tình yêu, còn tình nhân là ngọn lửa đốt lên tình yêu mới trong anh ta.
Ngay các loại “xuân dược hiện đại” là Viagra, Levitra hay Cialis đều nhấn mạnh đến yếu tố tâm lý: Người sử dụng phải có ham muốn tình dục thì thuốc mới có tác dụng. Xuân dược xưa rất chú ý đến “hiệu ứng ám thị” để trở thành thứ thuốc đặc hiệu tốt nhất về tình dục, sau khi sử dụng, dưới tác dụng tâm lý ám thị, thuốc sẽ có công hiệu, vì thế nó mới được mang màu sắc thần bí. Những cuộc thử nghiệm về giả dược hiện nay đã chứng minh điều đó.
|
(Theo NLĐ)