 |
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn trước đại biểu Quốc hội sáng nay. |
Mở đầu phiên trả lời chất vấn sáng 11/6, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ nhận được 19 câu hỏi, trong đó một nội dung liên quan Bộ Lao động. 18 câu tập trung 7 nhóm vấn đề: đào tạo, tuyển sinh, sinh viên thất nghiệp, quyết toán ngân sách giáo dục đại học, giáo dục đạo đức lối sống, thi tốt nghiệp THPT, đăng ký môn Lịch sử, đổi mới chương trình và SGK. Bộ đã trả lời bằng văn bản 11 đại biểu.
Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm thắc mắc vì sao chưa đổi mới chương trình Bộ đã đổi mới thi cử, coi đây là khâu đột phá?Bộ trưởng Luận cho biết, thi cử, dạy và học có quan hệ với nhau. Quá trình triển khai có những thay đổi thi cử dẫn đến thay đổi dạy và học. Thi tốt nghiệp vừa rồi đã có những thay đổi căn bản. Trước đây là kiểm tra học thuộc, nay là kiểm tra cách vận dụng. Từ một bài học sang tổng hợp, từ kiến thức chính trị sang kiến thức công dân... Học sinh, phụ huynh, thầy cô đã hình dung cần thay đổi như thế nào, chuyển từ việc dạy truyền thụ kiến thức sang dạy kỹ năng.Trong từng giai đoạn, cần thiết kế nội dung trước, nhưng trong quá trình chỉ đạo có thể đổi mới thi trước. Bộ dùng thi cử làm khâu đột phá vì quá trình triển khai Nghị quyết 29 gồm hai khối công việc độc lập. Đó là xây dựng mới chương trình giáo dục phổ thông theo lối tiếp cận năng lực, trên cơ sở đó biên soạn SKG phù hợp chương trình, thiết kế cách dạy, cách thi phù hợp với SGK đó. Khối công việc thứ hai là thay đổi các dạy của giáo viên và cách học của học sinh. Đây cũng là thời điểm để bồi dưỡng cho giáo viên đang còn lạ lẫm với cách dạy, thi phát triển năng lực.
Đại biểu Đàm Thị Mỹ Hương băn khoăn vấn đề học lệch nếu để học sinh tự chọn môn thi tốt nghiệp, Bộ trưởng cho biết, số môn thi mọi năm là 6 trong đó bắt buộc Toán, Văn, Ngoại ngữ. Quá trình phân tích thực trạng để thực hiện đổi mới, Bộ thấy thực tế những môn để thi đại học học sinh học rất cẩn thận, chu đáo. Các môn lựa chọn thường vừa học vừa chờ đợi, học đối phó. Nếu năm nay thi môn Sử thì năm sau học sinh không học Sử nữa. Từ những thực tế đó, Bộ đã có những thay đổi.Bộ kết hợp đánh giá quá trình với kết quả thi. Xét tốt nghiệp bằng kết quả học tập cả năm lớp 12 và kết quả thi tốt nghiệp 4 môn. Như vậy, Bộ áp dụng học gì thi nấy, quốc gia thi 4 môn, địa phương đánh giá những môn còn lại. Điều này khắc phục tình trạng học đối phó.Thay vì Bộ chọn, Bộ để học sinh chọn môn thi. Học sinh yêu các môn xã hội sẽ chọn Sử, Địa, thích tự nhiên sẽ chọn Lý, Hóa. Cách làm này vừa chú trọng giáo dục toàn diện, vừa tôn trọng năng lực, sở trường của học sinh.Năm nay, lần đầu tiên xuất hiện những hội đồng thi chỉ một thí sinh. Đây là biểu hiện của việc quá trình dạy và học đã thay đổi. Từ chỗ dạy cho số đông sang phát triển năng lực cho từng học sinh. Trước đây, cô thường trả lời "tôi dạy một lớp 40 cháu", nay cô sẽ trả lời "tôi dạy 40 cháu".
Trước băn khoăn kỳ thi có tiếp tục đổi mới hay không, Bộ trưởng Luận cho biết học sinh đang học chương trình cũ, nhưng phải thay đổi theo hướng mới nên sẽ có những điều chỉnh. Năm vừa rồi là một bước, tiếp tục sẽ thay đổi đậm đặc hơn, nhưng phù hợp, không gây sốc cho học sinh và xã hội.Việc thay đổi thi tốt nghiệp năm nay nằm trong lộ trình tiến tới kỳ thi quốc gia: đánh giá kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển lựa vào đại học, cao đẳng. Bộ đã báo cáo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về việc này.
Câu hỏi về điểm sàn đại học của đại biểu Nguyễn Thanh Thủy được Bộ trưởng Luận giải đáp, Bộ không bỏ điểm sàn mà đưa ra nhiều tiêu chí khác nhau để học sinh, phụ huynh lựa chọn trường.Điểm sàn không quyết định chất lượng tuyển sinh, chỉ là mức thấp nhất đảm bảo năng lực cần có để học đại học. Chỉ tiêu tuyển sinh căn cứ vào số giảng viên cơ hữu thực có. Yêu cầu thứ hai là diện tích thực có của nhà trường. Chỉ tiêu phụ thuộc hai yếu tố này chứ không phải điểm sàn. Năm nay, Bộ vẫn có Hội đồng điểm sàn, tư vấn các mức trên cơ sở chất lượng, kết quả kỳ thi tuyển sinh.
Về đề án Ngoại ngữ, Thủ tướng đã phê duyệt chủ trương nâng cao năng lực ngoại ngữ nhưng Bộ lại cho là môn thi tự chọn. Bộ trưởng Giáo dục cho hay, Bộ đã tổ chức khảo sát trên cả nước và thấy rằng cách dạy, học thi của Việt Nam không giống nước nào trên thế giới, học hết phổ thông cũng chưa nói, hiểu được. Giáo viên chưa đạt chuẩn, học sinh đi học trung tâm về phát âm chuẩn thì cô lại chê.Khi chưa thay đổi được thì trước mắt phải cân chỉnh, thay đổi cách dạy, cách học để đúng hướng thì mới tăng tốc. Bộ đang tập trung đào tạo lại giáo viên, tiếp đó là sách giáo khoa, chương trình, cách dạy mới. Lúc đó chúng ta sẽ thi bắt buộc.
Đại biểu Thân Đức Nam yêu cầu Bộ trưởng trả lời nguyên nhân 72.000 cử nhân thất nghiệp, phải chăng là do đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu hay cơ cấu chưa hợp lý. Bộ trưởng Luận cho rằng, Bộ Giáo dục và các trường nằm ở phần cung của thị trường lao động. Trách nhiệm của Bộ cũng có một phần. Nội dung thi cử, tổ chức đào tạo của các trường xuất phát từ khả năng mình có. Quy trình mở trường chưa chặt chẽ, chưa chú trọng đến nhu cầu địa phương. Chương trình đào tạo chưa theo kịp phát triển của thế giới, chưa chú trọng kỹ năng mềm, khả năng làm việc nhóm, ngoại ngữ...Những yếu kém đó dẫn đến quy mô tuyển sinh, đào tạo hàng năm tăng trong khi chất lượng chưa được chú trọng. Bộ Giáo dục và cơ sở đào tạo có trách nhiệm chính trong những yếu kém nói trên. Thời gian qua, Bộ đã có những giải pháp như hạn chế thành lập các trường đại học, cao đẳng, cải tiến quy trình cấp phép thành lập, hoạt động, khắc phục tình trạng trường được thành lập chưa có cơ sở, thầy cô mà đã có chỉ tiêu tuyển sinh. Gần đây, các trường đại học khi có dự án, quy hoạch cơ sở, thì mới được cấp phép thành lập và phải có cam kết về giảng viên cơ hữu...Khi mở chuyên ngành, Bộ đã có cảnh báo về ngành nghề, lĩnh vực đào tạo có quy mô lớn thì không cho mở thêm như khối kinh tế, tài chính, ngân hàng, giáo dục. Bộ có thông báo về sự bão hòa của ngành này, chính sách ưu tiên những ngành đang cần.Điều kiện mở ngành được nâng cao, kiểm tra thường xuyên. Bộ đã cho đóng những ngành chưa đủ điều kiện để nâng cao chất lượng. Bộ đã kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh chỉ tiêu, phấn đấu 450 sinh viên trên một vạn dân xuống còn hơn 200 cho phù hợp quy mô mạng lưới. Các địa phương dừng tiếp nhận nâng cấp cơ sở giáo dục mới. Hiện Bộ đã tạm dừng cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, công bố chuẩn đầu ra, công khai điều kiện giảng dạy để xã hội giám sát.Bộ thành lập hai trung tâm kiểm định chất lượng tăng cường giám sát, thành lập trung tâm cung ứng nguồn lao động. Thị trường lao động cũng như thị trường hàng hóa, cần phải giới thiệu, Bộ đã phối hợp với Bộ Lao động bàn về việc cung ứng nguồn nhân lực. Trong những chương trình, đề án Chính phủ đã phê duyệt cũng có đề án liên quan đến cung ứng nguồn lao động.
Về chính sách cho học sinh dân tộc nội trú, người đứng đầu ngành giáo dục cho biết học bổng cho đối tượng này đã tăng lên, nơi ăn chốn ở được cải thiện. Cả tỉnh có một trường THPT dân tộc nội trú trong khi mỗi huyện có nhiều học sinh nên chưa đáp ứng được yêu cầu. Bộ đang kiến nghị mở rộng các trường nội trú huyện thành liên cấp 2, 3 để học sinh được học tiếp, không phải về giữa chừng. Ngoài ra, Bộ cũng kiến nghị đưa học sinh về các trường bình thường tại thị xã, thị trấn...để đối tượng này có cơ hội theo học, không lãng phí nguồn đầu tư nhà nước và nguyện vọng của xã hội.Chỉ tiêu cử tuyển Bộ đã giao quyền xem xét quyết định cho UBND tỉnh, dựa trên nhu cầu ngành nghề, bậc học, địa chỉ theo học, trừ một số trường có yêu cầu tuyển chọn theo năng khiếu như thể dục thể thao, nghệ thuật, trường y. Nhưng Bộ cũng khuyến khích và chỉ đạo các trường thu hút các cháu, tổ chức chương trình dự bị để những học sinh này có kiến thức phổ thông, có thể theo học mà không bị chênh lệch.Về chương trình dạy tiếng dân tộc, Bộ đang nhờ các già làng cùng tham gia. Có 6 chương trình đã được ban hành. Những người dạy tiếng dân tộc đã được hỗ trợ.
Về vấn đề đào tạo từ xa, ông Luận cho biết phương pháp đào tạo này có nhiều ưu điểm như người học có thể học được với những người nổi tiếng. Bộ đã ký hợp đồng với các hãng truyền thông để có thể đào tạo lại giáo viên, dùng công nghệ điện toán đám mây đưa lên mạng, dùng mạng cáp quang đưa về các nhà trường để giáo viên tham khảo. Một bài học có thể có nhiều thầy giảng, ở cả miền Bắc và miền Nam để học sinh hiểu được.Đào tạo từ xa rất tốt, nhưng Việt Nam mới sử dụng nên có những lệch lạc. Đào tạo sư phạm, múa hát...không thể từ xa, nhưng ở những lĩnh vực phù hợp, có hiệu quả thì khuyến khích. Ở những cơ sở đào tạo mà làm không đúng sẽ bị xử lý.
Đại biểu Nguyễn Xuân Thủy (tỉnh Phú Thọ) hỏi về chính sách ưu đãi với sinh viên các trường sư phạm đã lạc hậu, không thu hút được sinh viên giỏi, Bộ trưởng Luận đồng tình. Ông cho rằng việc miễn học phí chỉ có tác dụng những năm trước đây, hiện nay học sinh nhìn việc thu nhập, khả năng cống hiến sau tốt nghiệp để quyết định. Chính sách cho vay tín dụng để học sinh đi học cũng là nguyên nhân khiến sư phạm không còn thu hút học sinh.Bộ Giáo dục đang rà soát mạng lưới cơ sở đào tạo sư phạm để có điều chỉnh, bổ sung, báo cáo Thủ tướng theo quan điểm tình hình mới, các trường sư phạm đã đào tạo nhiều ngành nghề khác, sư phạm trở thành mảng phụ. Bộ đang cân nhắc đề nghị Thủ tướng giao quản lý chủ quản các trường Sư phạm về cho Bộ giáo dục để quản lý, đào tạo được tốt hơn.
Vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh, Bộ trưởng Luận cho biết giáo dục toàn diện cho học sinh sinh viên đang được chú ý. Bộ đã có một số thay đổi trong chỉ đạo, thứ nhất là hướng học sinh đến các hoạt động trải nghiệp, bằng nhiều giải pháp gắn nhà trường với xã hội, cùng với nhà trường thì có các hội cựu chiến binh, phụ nữ, giáo dục học sinh được nhiều hơn về lòng yêu nước, yêu quê hương, ý thức trách nhiệm với xã hội, Tổ quốc.Bộ đang chỉ đạo đổi mới thay đổi phương pháp dạy môn học liên quan đến đạo đức như Giáo dục công dân, các môn Chính trị, cùng Trung ương đoàn tổ chức các hoạt động để học sinh phát triển nhận thức, hoàn thiện kỹ năng, năng lực làm việc."Không nên nói đạo đức học sinh càng lên cao càng thấp, vì càng bậc học cao thì hạnh kiểm phụ thuộc vào kết quả học tập", Bộ trưởng nói và cho hay, hiện học sinh sinh viên có nhận thức tốt, đúng đắn, nhưng không coi nhẹ những biểu hiện tiêu cực như các đại biểu phản ánh.
Đại biểu Nguyễn Thành Tâm băn khoăn những biện pháp xử lý những cơ sở giáo dục yếu kém, ông Luận cho biết cơ sở sai thì phải xử lý. Mỗi năm có 400.000 sinh viên tốt nghiệp, trong 5 năm có 2 triệu người tốt nghiệp. Nếu con số thống kê 72.000 người tốt nghiệp không có việc làm là đúng thì tỷ lệ là 3,6%. Vấn đề việc làm là vấn đề kinh tế thị trường trong đó có thị trường lao động. Khi thị trường lao động xuất hiện, ngày càng phát triển thì độ trễ và sự không khớp giữa cung và cầu là thực tế khách quan.Bộ có trách nhiệm, phối hợp xử lý ở góc độ cung có chất lượng hơn, cảnh báo với xã hội về ngành nghề thiếu, thừa. Còn phần cầu, các trung tâm xúc tiến việc làm, sàn giao dịch...cần hòan chỉnh. Trong đề án chiến lược phát triển việc làm của Chính phủ, chúng tôi đã bàn đến việc này.
Về việc kiểm định chất lượng, không chỉ hai trung tâm mới được thành lập mà gồm có kiểm định trong do các trường tự làm và kiểm định ngoài do các trung tâm độc lập thực hiện.
Tiếp thu kinh nghiệm của thế giới, Bộ cho thành lập 2 trung tâm kiểm định ở 2 đại học quốc gia để phát triển kiểm định ngoài. Nhiều nơi cũng xin được thành lập nhưng Bộ đang cân nhắc vì muốn thực hiện phải đào tạo đội ngũ kiểm định đủ chất lượng, có thực tiễn... Hai đại học quốc gia có uy tín, đủ năng lực để làm việc này.Việc phân luồng đào tạo đã bước đầu có hiệu quả.
Năm nay số lượng đăng ký vào đại học cao đẳng giảm, tăng các trường nghề.
Đó là kết quả bước đầu rất tốt.Đại biểu Tô Văn Tám cho biết một kết quả khảo sát của doanh nghiệp cho thấy chất lượng giảng dạy 50% không đạt. Bộ trưởng cho biết trước đây giáo dục đại học chú trọng phát triển số lượng, nặng về dạy chữ, chưa chú trọng dạy nghề. Trong quá trình chuyển đổi, Bộ chỉ đạo các trường thay đổi phương pháp đào tạo hướng vào phát triển năng lực, chú trọng đào tạo các ngành kỹ thuật, xã hội đang cần.Giai đoạn 2006-2010, hơn 180 trường đại học được thành lập, mỗi năm hơn 30 trường.
Từ 2011 đến nay, số lượng thành lập giảm xuống còn 6-7 trường mỗi năm trong đó có các trường thuộc khối quốc phòng, an ninh. Theo quy hoạch mới mà Thủ tướng đã phê duyệt, cơ bản sẽ không thành lập mới các trường, trừ những trường đặc biệt. Chỉ rà soát những trường đã cấp phép, chưa hoạt động sẽ bị thu hồi. Ở những vùng có ý nghĩa về quốc phòng an ninh và có nhu cầu mới được thành lập.
Bộ đang thông báo tạm dừng thành lập mới đến 2015.Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường hỏi về bất cập liên quan đến đào tạo tiến sĩ, nhiều nhưng chất lượng chưa tương xứng. Bộ trưởng Luận đồng ý với ý kiến của ông Cường. Bộ đã có giải pháp chấn chỉnh đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngoài cơ sở chính của nhà trường. Bộ quyết định các trường đủ điều kiện chỉ được đào tạo tại cơ sở chính (trừ một số trường hợp cá biệt ở địa phương có nhu cầu nhưng ở quá xa).
Hiện nay, số lượng, chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ được điều chỉnh giảm, gắn chặt với điều kiện đảm bảo chất lượng. Trước đây điều kiện là giảng viên cơ hữu của trường và giáo viên mời, nay điều chỉnh chỉ còn giảng viên cơ hữu của trường. Bộ cũng ban hành quy chế đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ mới theo hướng nâng cao chất lượng, bổ túc kiến thức cập nhật được nâng cao. Yêu cầu chất lượng luận án nâng lên. Trách nhiệm của người học, người hướng dẫn, người phản biện, hội đồng bảo vệ, cơ sở đào tạo được quy định rõ, xử lý khi không làm đúng trách nhiệm.
Bộ Giáo dục cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho cơ sở đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ được liên kết đào tạo với cơ sở nước ngoài, tiếp nhận phương pháp đào tạo mới, mời chuyên gia có danh tiếng sang cùng hướng dẫn, tham gia hội đồng đào tạo."Chúng tôi sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, yêu cầu các cơ sở giáo dục đổi mới nội dung đào tạo và sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm", người đứng đầu ngành giáo dục nói.Về việc tiêu cực trong thi cử ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Thanh Hóa, Bộ trưởng cho biết việc này thẩm quyền xử lý thuộc tỉnh.
Tuy nhiên, Bộ cũng có nhiều giải pháp xử lý tiêu cực trong thi cử. Việc đầu tiên là hướng cách dạy, học, thi sang đánh giá năng lực để học sinh không cần phải gian lận trong thi cử. Kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi được dư luận đánh giá là có thay đổi nhiều về mặt ý thức.
Trước đây phao thi rải trắng sân trường thì vừa rồi không còn nữa dù chưa giải quyết được triệt để. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) chất vấn: Để đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo thì Bộ đưa ra các giải pháp rồi dàn hàng ngang cùng tiến hay chọn khâu đột phá? Bộ trưởng Luận cho biết để đổi mới thì Bộ có hàng loạt giải pháp, triển khai như thế nào, thực hiện trong các thời kỳ ra sao.
Cụ thể, đối với việc biên soạn, đổi mới sách giáo khoa sẽ là biện pháp then chốt. Bộ đang tập hợp sự giúp đỡ của chuyên gia trong nước, quốc tế để soạn thảo được chương trình, sau đó tập trung viết sách giáo khoa mới, tổ chức viết hiệu quả, ít tốn kém.Trước đây Bộ đứng ra biên soạn chương trình, thẩm định, tổ chức thực hiện. Lần này có nhiều điều kiện thuận lợi hơn. Bộ đang cân nhắc xây dựng chương trình hoàn chỉnh, sau đó công bố rộng rãi và huy động các lực lượng xã hội cùng tham gia viết sách giáo khoa mới.
Viều này sẽ được cân nhắc và báo cáo trong ủy ban quốc gia về đổi mới giáo dục và báo cáo Thủ tướng.Việc tổ chức cho học sinh học, cho các thầy dạy như thế nào, lại có những khâu khác nhau. Những cách ra đề, chấm thi của kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi sẽ có hiệu ứng tốt, tạo động lực thay đổi cho cả học sinh và thầy cô.Phần chất vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận sẽ tiếp tục vào 14h chiều nay.
Hoàng Thùy
theo khampha.vn