"Thời báo New York" sử dụng một hình ảnh sai sự thật.
Trong tuần qua, dư luận quốc tế tiếp tục giành sự quan tâm đặc biệt đến cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông của Việt Nam. Vấn đề đấu tranh trên mặt trận truyền thông quốc tế đang được đặt ra rất bức thiết.
Được mệnh danh là “Thời báo New York” của châu Á, tờ Thời báo Eo biển của Singapore tuần qua đã khiến dư luận Việt Nam phẫn nộ, còn dư luận Singapore thất vọng khi cho đăng một bài báo về các cuộc tuần hành bị kích động ở Việt Nam.
Bài báo sử dụng một hình ảnh sai sự thật, gây bất lợi cho Việt Nam. Sử dụng hình ảnh hàng trăm công nhân, đa phần là nữ bị ngộ độc thực phẩm, đang được cấp cứu trên sảnh một bệnh viện Thanh Hóa, tờ báo này chú thích rằng “đây là cảnh 500 công nhân Trung Quốc bị phong tỏa trong khu ký túc xá do bạo động ở Việt Nam”.
Bạn đọc người Việt của tờ báo danh tiếng này cùng với cộng đồng mạng xã hội đã nhanh chóng phát hiện và lên tiếng phản đối bức ảnh này khiến tờ báo Eo biển nhanh chóng gỡ hình ảnh ở trang mạng và in lời đính chính trong số báo in sau đó. Tuy nhiên, đối với nhiều độc giả, điều này vẫn chưa đủ.
Độc giả Annabel Chong nhận xét: “Họ chắc chắn nợ chúng ta và nợ người Việt Nam một lời giải thích. Vì sao nó được xuất bản khi chưa được kiểm chứng”.
Nhận xét của độc giả Annabel Chong.
Nếu bức ảnh được đặt nhầm địa chỉ nói trên chỉ là sai sót của một tờ báo, thì thông tin về cuộc biểu tình tại nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh đã xuất hiện trên hàng loạt tờ báo lớn của Thế giới và khác xa thông tin thống kê chính thức theo các tờ báo chính thống tại Việt Nam.
Những cơ quan báo chí lớn như tạp chí Time, hãng thông tấn Reuters của Anh, Sky News và mạng Tin tức Ngày nay của Nga cùng đưa con số người thiệt mạng trong vụ việc này là ít nhất 20 người, gấp hàng chục lần so với con số 1 người do cơ quan chức năng đưa ra.
Thông tin này cho tới nay vẫn chưa được đính chính và là một vết nhơ tệ hại đối với cuộc đấu tranh vì chủ quyền biển đảo của người dân Việt Nam.
Hàng loạt các tờ báo quốc tế đưa chưa chính xác về số người thiệt mạng trong cuộc tuần hành bị kích động ở Việt Nam.
Bên cạnh những thông tin đáng ngờ như trên, thì không khí chung của các bài báo quốc tế về tình hình Biển Đông tuần qua cũng ít nhiều bất lợi cho Việt Nam. Với thực tế những cuộc tuần hành có yếu tố bạo lực diễn ra bất ngờ trong tuần qua, và theo xu hướng chung của báo chí là tập trung đưa tin những đề tài giật gân, ăn khách. Báo giới quốc tế đã khai thác mạnh vào yếu tố bạo lực của những diễn biến này. Và vô hình chung nó đã gây ảnh hưởng đến hình ảnh chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền.
Tuy nhiên, nguy hiểm và đáng phẫn nộ hơn cả chính là những dòng thông tin trên truyền thông chính thống của Trung Quốc, hãy xem những phát ngôn trắng trợn, đáng kinh ngạc của Trung Quốc:
Hãng tin Tân Hoa ngày 12/5: “Hoạt động thăm dò dầu khí của Trung Quốc trong khu vực quần đảo Tây Sa – một phần không thể tách rời của Trung Quốc là hoàn toàn hợp pháp và trong chủ quyền của Trung Quốc. Nhưng hoạt động bình thường hợp pháp quốc tế này đã bị gọi là cố ý gây đụng độ”.
“Việt Nam đã triển khai 36 tàu, gồm cả tàu chiến đến vùng biển gần giàn khoan quấy nhiễu hoạt động khai thác và đã cố ý đâm húc tàu Trung Quốc tới 171 lần”, tờ này viết.
Thời báo hoàn cầu ngày 13/5: “Những hòn đảo trên biển Nam Trung Hoa gồm cả quần đảo Tây Sa đầu tiên được người Trung Quốc phát hiện, đặt tên và quản lý. Chủ quyền lịch sử của Trung Quốc đã được luật pháp quốc tế tôn trọng, và trên thực tế không có tranh chấp nào xảy ra, cho tới khi các mỏ dầu được phát hiện vào những năm 1970″.
“Để giành phần, những nước như Việt Nam đã nỗ lực lấn chân. Ví dụ, Việt Nam đã đơn phương chia lô quanh vùng biển Nam Sa và mời gọi nhà thầu quốc tế vào khai thác dầu”, tờ này viết.
Những dòng thông tin trên truyền thông chính thống của Trung Quốc.
Với những dòng thông tin ngang ngược này, không khó hiểu nếu như dư luận Trung Quốc đưa ra cái nhìn méo mó, biến dạng về thực tế những gì đang làm nổi sóng ở Biển Đông.
Theo dõi và thông tin kịp thời chính xác đến báo giới quốc tế là việc làm cần thiết để phòng ngừa những thông tin bất lợi về Việt Nam xuất hiện trong dư luận quốc tế. Bên cạnh đó, cộng đồng mạng xã hội cũng có thể tận dụng những lợi thế của mình trong thời đại báo chí công dân để tham gia trên mặt trận đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Vũ khí truyền thông sắc ngọt nhất khi nó ở trong tay những người có công lý làm bạn đồng hành.