Tờ trình do Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang đọc chiều nay (4/6) nêu: Nội dung thẻ Căn cước công dân (CCCD) phản ánh thông tin cơ bản về công dân phục vụ cho việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân nhưng vẫn bảo đảm giữ bí mật đời tư cá nhân.
Dự thảo luật muốn cấp thẻ CCCD cho công dân ngay từ khi làm thủ tục khai sinh để bảo đảm quyền công dân theo Hiến pháp 2013. Dự thảo luật cũng không quy định hạn chế người được cấp thẻ CCCD, kể cả người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang mắc bệnh tâm thần...
Trên thẻ CCCD có thông tin về nơi thường trú của công dân và do đó, sau khi hoàn thành cơ sở hạ tầng và tích hợp đầy đủ dữ liệu về công dân, sẽ bỏ sổ hộ khẩu.
|
Thẻ CCCD được sản xuất bằng chất liệu nhựa, ngoài cùng của hai mặt có phủ lớp màng nhựa mỏng trong suốt. Nguồn: dự thảo Thông tư của Bộ Công an về thẻ CCCD
|
Trên thẻ CCCD cũng có thông tin về họ và tên khai sinh, họ và tên gọi khác, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc... nên công dân có thể sử dụng thẻ CCCD để chứng minh các thông tin này trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân mà không cần phải sử dụng một số giấy tờ khác.
Trên thẻ CCCD cũng có số định danh cá nhân của mỗi người, giúp công dân thuận tiện khi giải quyết các thủ tục hành chính, thực hiện các giao dịch dân sự, giúp cơ quan, tổ chức kiểm tra, khai thác các thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Số thẻ CCCD sẽ chính là số định danh cá nhân, hay mã số công dân gồm 12 số tự nhiên, được xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý thống nhất trên toàn quốc, được cấp cho mỗi công dân VN và không lặp lại ở người khác, dùng để xác định dữ liệu cụ thể của một người trong cơ sở dữ liệu.
Dự kiến, đối với thẻ của người dưới 15 tuổi thì hạn sử dụng là từ khi cấp đến khi người đó đủ 14 tuổi; đối với thẻ của người từ 15 tuổi đến dưới 25 tuổi thì hạn sử dụng là 10 năm, kể từ ngày cấp; đối với thẻ của người từ đủ 25 tuổi đến dưới 70 tuổi hạn sử dụng 15 năm. Riêng đối với người từ 70 tuổi trở lên thì không xác định hạn sử dụng của thẻ.
Công dân có thể lựa chọn một trong các nơi sau để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD: Bộ Công an; công an tỉnh, thành phố; công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; UBND xã, phường, thị trấn khi làm thủ tục khai sinh, không phụ thuộc vào nơi cư trú.
Nhà nước bảo đảm kinh phí cấp thẻ CCCD lần đầu. Công dân được miễn, giảm lệ phí đổi, cấp lại thẻ CCCD.
Cơ quan thẩm tra là UB Quốc phòng An ninh QH cơ bản tán thành các đề nghị của Bộ Công an.
Chưa thể bỏ giấy khai sinh, đăng ký kết hôn
Cũng trong chiều nay, Bộ Tư pháp trình dự thảo luật Hộ tịch, trong đó cũng nhấn mạnh vai trò của số định danh cá nhân và việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch.
"Khi làm thủ tục đăng ký hộ tịch, cá nhân xuất trình thẻ Căn cước công dân, trong đó có số định danh của mình", Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết. "Ngoài ra, người yêu cầu đăng ký hộ tịch về cơ bản chỉ phải nộp văn bản yêu cầu đăng ký hộ tịch".
Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh, với tinh thần đơn giản hóa giấy tờ công dân, người dân sẽ không phải cầm bản chính các loại giấy tờ như hiện nay mà sẽ trích lục khi cần.
Nhưng đối với một số sự kiện hộ tịch quan trọng là khai sinh, kết hôn, thì việc lưu giữ và sử dụng bản chính giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn là nhu cầu thực tế của người dân. Do đó, Chính phủ đề nghị duy trì quy định về cấp giấy khai sinh cho trẻ em và cấp giấy chứng nhận kết hôn cho người dân.
Thẩm tra dự thảo luật này, UB Pháp luật băn khoăn về sự thống nhất với dự thảo luật Căn cước công dân.
"Chính phủ nói thẻ CCCD sẽ được cấp khi làm thủ tục khai sinh, liệu việc cấp giấy khai sinh có làm phát sinh thêm giấy tờ?", Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý băn khoăn.
Cả hai dự thảo luật này đều sẽ được cho ý kiến tại kỳ họp này để biểu quyết thông qua vào kỳ họp sau.
Chung Hoàng