|
Ngày 27/5, Trung Quốc đã dời vị trí giàn khoan cách chỗ cũ 23 hải lý theo hướng đông đông bắc. Đồ họa: Đồng Nguyên Anh.
|
"Ngày 1/6, lực lượng kiểm ngư phát hiện giàn khoan Hải Dương 981 không ổn định vị trí", báo cáo của Cục Kiểm ngư cho biết. Tại khu vực hạ đặt giàn khoan trái phép, Trung Quốc duy trì lực lượng khoảng 120 tàu, gồm 30 đến 40 tàu hải cảnh; 25 đến 30 tàu vận tải và tàu kéo; 45 đến 50 tàu cá quân sự và 4 tàu quân sự. Bên cạnh đó, một máy bay chiến đấu Trung Quốc bay quanh khu vực giàn khoan ở độ cao khoảng 1.000 m.
Phía Việt Nam vẫn duy trì lực lượng bám trụ, tổ chức hoạt động đấu tranh tuyên truyền với cường độ cao để yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam. Các tàu kiểm ngư Việt Nam hoạt động cách giàn khoan 6 đến 8 hải lý. Còn các tàu cá của ngư dân hoạt động cách giàn khoan khoảng 25 đến 30 hải lý về phía tây và nam. Các lực lượng chức năng vẫn tăng cường hỗ trợ, bảo vệ ngư dân tiếp tục bám biển đánh bắt cá, tổ chức đấu tranh đòi ngư trường truyền thống.
Trước đó vào ngày 27/5, Trung Quốc lần đầu tiên dời giàn khoan đến vị trí có tọa độ cách đảo Tri Tôn về hướng đông đông nam 25 hải lý; cách vị trí cũ 23 hải lý theo hướng đông đông bắc, cách đảo Lý Sơn khoảng 150 hải lý, tức là vẫn nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Một số chuyên gia năng lượng của Trung Quốc cho rằng, nước này sẽ dịch chuyển giàn khoan cho tới khi tìm được dầu ở Biển Đông. Theo nhận định của các chuyên gia, nếu giàn khoan tìm thấy nơi có dự trữ dầu, Trung Quốc có thể đưa cơ sở vật chất đến để khai thác và tàu đặt ống dẫn nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng chuyển dầu khí sang tàu.
Mới đây, phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã gửi thư cho Tổng Thư ký Ban Ki-moon đề nghị lưu hành công hàm phản đối các hoạt động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và xem đây như tài liệu chính thức của khóa 68 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Trong công hàm, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 cùng các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam, chấm dứt các hoạt động gây ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng hải cũng như hòa bình và ổn định ở khu vực. Việt Nam khẳng định sau khi Trung Quốc rút giàn khoan, hai bên sẽ trao đổi ngay các biện pháp kiểm soát ổn định tình hình và các vấn đề trên biển giữa hai nước.
Liên quan đến tàu cá vỏ gỗ ĐNa-90152-TS của ngư dân Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc đâm chìm chiều ngày 26/5, hiện chi đội Kiểm ngư số 3 phối hợp địa phương trục vớt và có phương án sửa chữa trong thời gian tới.
VnExpress