Nhưng, chị không khóc. “Nữ tướng làng chài” là biệt danh của chị - Huỳnh Thị Như Hoa, vì từ tay người phụ nữ 38 tuổi này, năm con tàu đã lần lượt ra đời. Làm ăn được ít, thất bại nhiều, thua keo này, bày keo khác, chị cùng chồng quyết theo đến tận cùng để vươn khơi. “Vợ chồng em cưới nhau năm 1995, năm 1996 đã vay tiền đóng tàu. Tàu bị Trung Quốc (TQ) đâm chìm, nhà em đóng năm 2002, tu bổ năm 2012, lúc đầu là 130 CV. Hình như lúc đó khoảng 50 cây vàng thì phải, lâu rồi không nhớ. Khi tu sửa thì nâng cấp lên 450 CV, với ý định ra Hoàng Sa đánh bắt lớn. Trị giá năm tỷ đó anh, giờ tan tành, nghĩ tức thiệt”.
Giọng chị sắc gọn. Nỗi đau khổ không hề rơi rớt trên gương mặt phờ phạc nhiều đêm không ngủ của chị, dù cả một sản nghiệp đã tan tành theo bọt sóng. Chị hạ giọng “Con tàu ni lạ lắm. Bão Chan Chu 2005, nó cũng bị ngay tâm bão, nhưng thoát. Bao phen bão gió, tưởng bỏ xác cả người lẫn tàu, nhưng tàu vẫn bình yên trở về. Ai ngờ đang biển lặng lại bị chìm…”.
Chị Hoa và thuyền trưởng chuẩn bị hồ sơ
Đúng là chẳng ai ngờ. Đâm chìm tàu cá dân thường để phục vụ cho ý đồ chính trị là hành động lưu manh, kẻ cướp. Truyền thông những ngày qua khi đưa tin về con tàu ĐNa 90152 này đều cận cảnh gương mặt hơi gầy, sạm đen của người đàn bà làng chài, nhìn xa xăm ra biển như muốn vớt vát gì đó. Những vết xước, lỗ thủng, bùn đất vương trên con tàu, như vết chém trong lòng chị. “Vì sao chị quyết kiện TQ?”.
“Con tàu ni hiền lắm, bình yên lắm, nó như đứa con ngoan trong gia đình. Em tiếc đứt ruột, nhưng không bằng tức giận chúng nó. Nếu Nhà nước, chính quyền giúp tư vấn pháp lý, đơn kiện, thì em có chết cũng kiện TQ đến cùng. Vì sao hả? Em là dân lành, có gây thù chuốc oán chi với họ đâu mà họ đẩy em đến đường cùng? Họ xâm phạm vùng biển mình, đâm tàu mình, lại đổ lỗi mình đâm họ, nghĩ sao không tức? Lúc có thông tin tàu chìm, ở nhà em đã tưởng tượng rồi, nhưng đến khi gặp anh em thuyền viên kể lại, nỗi tức giận dâng lên. Họ kể, tàu TQ đâm tàu mình chìm, đứng nhìn mười anh em thuyền viên vật lộn với sóng, rõ ràng là muốn giết dân mình. Đến khi có tàu mình đến vớt, tàu TQ mới bỏ đi. Em phải kiện! Đây là tài sản của gia đình em. Nếu thiên tai, bão gió, thì đành chịu vì trời không thương; đằng này họ cố tình hãm hại mình, mình không thể chấp nhận tay trắng. Kiện vì đó là quyền lợi của anh em thuyền viên đi cùng.
Mình làm chủ, họ gửi gắm cho mình hy vọng áo cơm của bao gia đình, giờ mất tàu, sống sao đây? Nếu chỉ cần một trong mười anh em thuyền viên chết, em sống sao nổi với gia đình người ta? Phải kiện cho thế hệ mai sau, cho con cháu anh em bà con, dân tộc mình; kiện tới nơi, để lấy công bằng, buộc TQ bỏ thói ngông cuồng, thói giết người vô nhân tính, coi tính mạng con người không ra chi. Nói thiệt anh, lúc tàu được kéo vào, nhìn nó tan hoang, em chết từng khúc ruột, nhưng nén kín trong lòng, phải mạnh mẽ đứng dậy. Gia đình các thuyền viên kéo đến chật nhà, em hết sức bình tĩnh giải thích, nếu không sẽ làm mọi người lo lắng thêm”.
Tôi nhiều lần để ý, ở những người mà lòng quyết tâm có thể dời núi, lấp biển, họ không bao giờ cao giọng, mà nén trong từng ý nghĩ, lời nói, cứ sắc như gươm, nhưng mềm như nước. Người đàn bà làng chài ở ven biển Đà Nẵng này, đang ngồi trước tôi đây, nếu không nhầm, chính là mẫu người đó.
Buồng lái tan hoang, hư hỏng nặng
“Tôi đã 19 năm đi biển. Gia đình tôi có truyền thống đi biển”, anh Trần Văn Vốn, chồng chị, góp chuyện. Anh mới lên bờ từ năm ngoái, trao quyền chỉ huy lại cho người khác, nếu không, chính anh cũng đã phải ngụp lặn giữa sóng sau cú đâm tàn ác trên, bởi anh đã theo tàu từ lúc khởi thủy. “Tàu đó, năm ngoái lỗ 500 triệu, chưa trả hết nợ đâu anh”, giọng chị trở về nỗi lo thường trực của người nắm “tay hòm chìa khóa” trong nhà. Chị nói, nợ ngân hàng hiện giờ là 1,25 tỷ. “Con trai em vừa đi du học Nhật Bản được hai tháng, giờ lấy tiền đâu cho nó theo học đây? Con bé học lớp 9, đang đi tập huấn Olympic quốc gia thể thao ở Nghệ An. Gia đình em đang khốn đốn”. “Anh chị còn một tàu nữa mà?”. “Dạ, nhưng phải hai tàu mới có khả năng trả nợ, tàu ni lỗ thì tàu kia bù, một chiếc chạy mà lỗ thì chết luôn với nợ nần. Tàu chìm hư, mười mấy người thất nghiệp, mất nguồn thu. Em mong ước có vốn để đóng lại tàu”.
Chủ tàu ĐNA 90152.
Bỗng chị đổi giọng: “Vợ chồng em được ngồi ở đây, là do chính quyền, dư luận, bà con cả nước rồi cả thế giới quan tâm, động viên nên em không sợ, không nao núng. Em quyết kiện, dù có đi đến đâu”. Tôi nói với chị, sau lưng chị là cả một dân tộc, chị không đơn độc trong cuộc đấu tranh này. Khi chị trả lời truyền thông, rằng chị sẽ kiện, Hội Nghề cá Đà Nẵng đã “hô ứng” ngay, đồng ý với chị giữ lại con tàu làm bằng chứng đấu tranh với TQ, hết lòng ủng hộ gia đình chị trong cuộc chiến pháp lý giành lẽ công bằng. Hết đứng lại ngồi, bận rộn cho việc gọi anh em thuyền viên đến ký xác nhận tình trạng con tàu ban đầu để làm hồ sơ hỗ trợ, nhìn người phụ nữ dong dỏng cao ấy, tôi nghĩ đến cây cột thu lôi, có lẽ như thế, ở chị, lòng quyết tâm như sấm sét đã thu hết vào đó…
Trung Việt - Đình Thức