Không nhãn mác, ngày sản xuất, hạn sử dụng băng vệ sinh vẫn được bày bán tại các gian hàng ở chợ Khương Trung - Thanh Xuân (Hà Nội).
Băng vệ sinh không rõ cơ sở sản xuất, thương hiệu, nhãn mác, nhiều sản phẩm hàng rởm nhái thương hiệu của hai hãng nổi tiếng Diana, Kotex được bày bán công khai trên thị trường nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn tự nhiên sử dụng sản phẩm.
Dùng băng vệ sinh (BVS) dỏm sẽ gây viêm nhiễm phụ khoa, ung thư cổ tử cung – một trong 3 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến vô sinh ở chị em phụ nữ.
Tràn lan băng không thương hiệuCách trung tâm Hà Nội không đầy 10km, tại nhiều chợ khu vực Thanh Xuân, Cầu Giấy, các chủ hiệu tạp hoá bán một loại hàng khá phố biến là băng vệ sinh đựng trong những túi nilong trắng không rõ thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất. Những túi hàng này thậm chí được đổ đống ngay trên nền chợ bẩn thỉu, hoặc chưa trogn các bao xác rắng dùng lại nhiều lần.
Tại chợ Khương Trung, Thanh Xuân, khi PV chỉ vào một lô BVS không nhãn mác đựng trogn bao nilon, chủ hàng nhiệt tình chào mời: "Đây là hàng do công ty Diana sản xuất nhưng vì đóng gói bao bì giá cao dân lao động nông thôn kinh tế thấp khó sử dụng. Vì vậy, họ đóng gói một số trong túi bóng không dập thương hiệu, như vậy giá rẻ đi một nửa mà vẫn được sử dụng hàng công ty chính hãng".
Thấy khách e ngại về chất lượng sản phẩm bà chủ hàng nói thêm: Chắc đây lần đầu hỏi loại này, yên tâm sử dụng đi, hàng công ty được kiểm nghiệm rồi nhờ người quen làm trong xưởng tôi mới lấy ra ngoài bán được. Các cửa hàng khác cũng có loại “trần” nhưng không phải của Diana. Dân quanh đây vẫn thoải mái dùng có thấy ai kêu ca gì đâu, họ còn ra mua thêm không sợ hết hàng.
Giá loại băng vệ sinh này rất rẻ chỉ 3.000 đồng - 4.000 đồng/6 miếng. Ngoài sản phẩm băng vệ sinh không nhãn mác được bày bán với lời giới thiệu chắc như đinh đóng cột của bà chủ về chất lượng sản phẩm. Trên thị trường, còn có nhiều sản phẩm với các thương hiệu như Danisa, Danaco, Kotiex, Ketex … giá khoảng từ 5.000 đồng – 8.000 đồng/gói/7 miếng, các loại băng vệ sinh này có bao bì và hình in tương đối giống sản phẩm của Diana, Kotex. Trong khi đó giá trung bình các sản phẩm có nhãn hiệu là từ 11.500 đồng/ gói 8 miếng …
Băng vệ sinh không nhãn cũng rất đa dạng về chủng loại, có sản phẩm cho ban đêm, ban ngày, dùng hàng ngày, tùy nhu cầu của khách để lựa chọn cho phù hợp. Nhiều nhãn hiệu khác nhau nhưng trên bao bì mỗi sản phẩm đều ghi nơi sản xuất, đóng gói tại Bắc Ninh hoặc Gia Lâm – Hà Nội. Chất liệu của các loại băng vệ sinh này chủ yếu làm bằng bông tạp, giấy lộn không đảm bảo chất lượng, sức khỏe cho người sử dụng.
Biết vẫn dùngKhông thương hiệu, nhãn mác, đóng gói trong những túi nilong trắng lại bày trên sàn gạch chợ khiến phóng viên e ngại, nhưng bên cạnh đó sản phẩm “trần” lại đáp ứng nhu cầu sử dụng của một bộ phận người tiêu dùng có thu nhập thấp.
Tại gian hàng băng vệ sinh “trần” chợ Khương Trung được giới thiệu là của công ty, khách mua hàng tên Thảo sinh viên một trường học gần đó tay cầm sản phẩm lý giải: Dùng băng vệ sinh không rõ nguồn gốc cũng e ngại, lo ảnh hưởng sức khỏe sau này nhưng đây là sản phẩm của công ty chỉ là không đóng gói trong bao bì như bán trong siêu thị hay tại các cửa hàng tạp hóa lớn. Sinh viên ít tiền có bao giờ dám mua hàng trong siêu thị đâu chị, em dùng quen rồi thấy chất lượng được mà cũng không có dấu hiệu gì khác.
Theo bác sĩ Tô Minh Hương – Phó Giám đốc bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: Các loại băng vệ sinh trôi nổi không nhãn mác, thương hiệu thường được làm bằng các chất liệu không đảm bảo, độ thấm hút thấp, kiểm định vệ sinh chưa nghiêm ngặt có thể không đạt tiêu chuẩn khử trùng. Khi dùng tiếp xúc lâu với sản phẩm có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển có thể dẫn đến bị viêm nhiễm, nấm ngứa phần phụ, viêm nội mạc ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở phụ nữ.
"Nên sử dụng những loại băng vệ sinh đã có thương hiệu, ngày sản xuất, bao bì đóng gói cẩn thận, rõ ràng và mua tại những cửa hàng, siêu thị lớn để bảo vệ sức khỏe của bản thân", bác sĩ Hương nói thêm.
BVS dỏm gây vô sinh, ung thưTheo thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có 470.000 phụ nữ mắc bệnh ung thư cổ tử cung. Trong đó, phần lớn nguyên nhân là do sử dụng BVS kém chất lượng. Trong khi đó, tại Việt Nam, từ các chợ, tạp hóa, cửa hàng vẫn bày bán công khai các sản phẩm BVS kém chất lượng, nhái các nhãn hàng Kotex, Diana, Laurier… với các hình ảnh, dòng chữ bên ngoài giống y chang để đánh lừa người tiêu dùng.
Theo bà Tạ Thúy Hà, đại diện Công ty Kimberly Clark (đại diện nhãn hàng BVS Kotex), mức nhiễm nấm mốc ở BVS dỏm cao gấp 48 lần và mức nhiễm khuẩn cao hơn 12,5 lần so với BVS thật.
Nguyên nhân là do quy trình sản xuất không vệ sinh. Toàn bộ dây chuyền sản xuất BVS dỏm chủ yếu được nhập từ Trung Quốc. Loại BVS này có chất lượng thấm hút kém, quăn lại nhiều nếp sau một thời gian ngắn sử dụng. Bông vón lổn nhổn và đặc biệt sử dụng sau 1-2 giờ đồng hồ đã có mùi rất hôi, khó chịu.
Độ khử trùng của loại BVS dỏm này không cao nên khi dùng từ 4-6h là thừa đủ để vi khuẩn có điều kiện sinh sôi nảy nở. Tuy nhiên, người tiêu dùng, nhất là ở các vùng nông thôn đều “thờ ơ” về chất lượng các loại BVS với suy nghĩ dùng một lần rồi bỏ. Trong khi đó, chế tài chưa đủ mạnh nên nhiều vụ bắt xong lại thả khiến BVS dỏm ngày càng hoành hành.
TS. Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng ban Ban Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khuyến cáo, người tiêu dùng nên trang bị kiến thức tiêu dùng tốt nhất người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình bằng cách nói không với những sản phẩm “dỏm” này. Đặc biệt, chị em phụ nữ nên mua sản phẩm ở những nơi uy tín, không nên tham hàng rẻ mà mua những sản phẩm kém chất lượng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.