Thiệt hại đủ điều
Chị Thu Linh, 32 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội một phen “lên ruột” vì kết quả siêu âm của mình. Trong đợt khám sức khoẻ định kỳ hàng năm vừa qua, chị được các bác sĩ bệnh viện đa khoa Tràng An kết luận “sạn thận kích thước 4mm”, “gan phải có hai u mao mạch”. Quá hốt hoảng, chị đến một trung tâm chẩn đoán hình ảnh trên đường Phan Chu Trinh, Hà Nội kiểm tra lại. Tại đây, các bác sĩ không phát hiện sạn thận mà chỉ có “một u máu nhỏ ở gan phải”.
Trường hợp của anh Hoàng, 35 tuổi, ở Tân Bình – TP.HCM cũng khá tiêu biểu. Khám sức khoẻ định kỳ hồi tháng qua, anh được một phòng khám tư nhân xét nghiệm và kết luận “đã nhiễm viêm gan siêu vi, 90% khả năng bị mãn tính và 10% lành bệnh hẳn”. Mất ăn mất ngủ cả tuần lễ, không dám ăn uống chung với người thân vì sợ lây viêm gan siêu vi cho họ, anh quyết định đi kiểm tra ở hai phòng xét nghiệm khác, cả hai nơi đều khẳng định anh… không bị viêm gan siêu vi C!
Làm gì khi nhận được kết quả xét nghiệm bất thường?
Lúc này bác sĩ khám bệnh cần khai thác kỹ bệnh sử người bệnh, thí dụ có đang dùng một loại thuốc nào không? Chế độ ăn uống những ngày qua như thế nào? Đối với những xét nghiệm mang tính quan trọng (như xét nghiệm HIV), nếu thấy bất thường, bác sĩ cần cho kiểm tra lại thật kỹ trước khi đưa ra kết luận cho bệnh nhân. Đối với bệnh nhân, nếu nhận được một kết quả xét nghiệm bất thường cũng không nên quá hoang mang, cần mang kết quả đi bác sĩ chuyên khoa tư vấn để bác sĩ cho xét nghiệm ở một nơi khác, để đối chiếu hoặc tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến bất thường.
P.S. (ghi theo ý kiến một chuyên viên xét nghiệm)
|
Nhưng xem ra hai trường hợp trên còn khá may mắn, vì trong thực tế kết quả xét nghiệm không chính xác cũng có thể gây hậu quả chết người. Cuối tháng 11 qua, TAND huyện Thanh Trì, Hà Nội đã xét xử ba bác sĩ, kỹ thuật viên bệnh viện đa khoa Thanh Trì vì “vi phạm quy định về chữa bệnh”. Vụ việc khá hy hữu, bệnh nhân mang nhóm máu O, nhưng vì kỹ thuật viên xét nghiệm cho kết quả là nhóm máu AB, bác sĩ đã “hồn nhiên” truyền nhầm nhóm máu cho bệnh nhân và dẫn đến tử vong. Một sai lầm tưởng như đơn giản, nhưng hậu quả lại quá nghiêm trọng.
Chưa có chuẩn phòng xét nghiệm chất lượng
Lý giải về sự khác biệt trong kết quả xét nghiệm, ThS.BS Nguyễn Phú Hương Lan, phó khoa xét nghiệm bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết: Đến nay ngành y tế vẫn chưa có một chuẩn quản lý chất lượng nào về phòng xét nghiệm, vì thế mỗi nơi làm mỗi kiểu khác nhau và cũng do không có chuẩn nên cơ quan chức năng cũng không thể kiểm tra ai đúng ai sai. Chị nêu thí dụ: “Như thuốc tây trên thị trường có nhiều nguồn khác nhau, hoá chất xét nghiệm cũng có nhiều nguồn. Để tiết kiệm chi phí, một số phòng xét nghiệm dùng hoá chất rẻ tiền, điều này có thể ảnh hưởng ít nhiều đến kết quả”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, chuẩn mực cho một phòng xét nghiệm y khoa là ISO 15189, nhưng ngay cả ở TP.HCM hiện nay cũng chỉ có hai bệnh viện công lập xây dựng được chuẩn này là bệnh viện Nhi Đồng 1 và bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
Vì sao các đơn vị y tế không mặn mà xây dựng chuẩn chất lượng xét nghiệm? Một chuyên viên lâu năm trong ngành xét nghiệm (xin giấu tên) cho biết, đầu tư cho chuyện này khá tốn kém nhưng cơ quan chức năng cũng không bắt buộc, nên phòng khám hay bệnh viện đầu tư để làm gì. Tuy nhiên, chuyên viên này cũng cho biết ngay cả ở những nước tiên tiến như Mỹ, Anh, Úc, người ta vẫn không thể triệt tiêu hết sai sót trong xét nghiệm y khoa vì xét nghiệm bị tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau. Đơn giản nhất là buộc garô để rút máu xét nghiệm, nếu kỹ thuật viên buộc quá chặt, hồng cầu trong máu bị phá vỡ, khiến một số chỉ tiêu trong máu bị sai lệch. Một thí dụ khác là nguồn điện. Khi đưa mẫu xét nghiệm vào máy, nguồn điện chỉ cần tăng giảm đột ngột, kết quả cho ra sẽ khác ngay.
Anh Nguyễn Hữu Trí, kỹ thuật viên phòng xét nghiệm sinh hoá bệnh viện Saint Paul – Hà Nội cho biết quy trình xét nghiệm được chia thành ba giai đoạn trước, trong và sau xét nghiệm. Chỉ cần sai sót một khâu ở một trong các giai đoạn trên là có thể gây sai số. Kết quả xét nghiệm không chính xác sẽ dẫn đến việc bệnh nhân bị chẩn đoán bệnh sai, còn bác sĩ ra quyết định điều trị không đúng. Điều này chắc chắn không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ bệnh nhân mà còn làm mất uy tín của bác sĩ và bệnh viện.
Theo 24h