Feng Bin, 28 tuổi, người Trung Quốc, luôn giữ mối quan hệ mật thiết với khách hàng của mình. Anh là trình dược viên cho một công ty dược phẩm đa quốc gia, từng tốt nghiệp đại học y quốc gia ở Bắc Kinh 3 năm trước và có bằng thạc sĩ. Anh không phàn nàn gì về khoản thù lao của mình (lương tháng cơ bản khoảng 3.000 tệ - tương đương 472 đô la) cộng thêm khoản hoa hồng mỗi tháng từ 3.000 đến 6.000 tệ và một khoản thưởng năm khoảng 10 nghìn tệ, chưa kể trợ cấp đi lại và tiền điện thoại.
Tuy nhiên, anh cho biết không cảm thấy thoải mái khi bác sĩ nhận tiền để kê loại thuốc mà anh giới thiệu, hoặc khi chứng kiến các bệnh nhân phải trả chi phí cho một loại thuốc cao gấp vài lần với giá của nhà sản xuất.
|
Việc kiểm soát của chính phủ Trung Quốc bằng hệ thống định giá đang bị nhiều chuyên gia cho là nguyên nhân chính gây nên giá thuốc cao như hiện nay. Ảnh: China Daily. |
Liu Yuan, bạn cùng lớp trước kia của Feng, đang làm việc cho một bệnh viện công ở Bắc Kinh trong 3 năm. Cô cho China Daily biết cô đã nhận tiền từ Feng: Đó là bởi Feng giới thiệu loại thuốc chữa huyết áp cao, còn Liu làm việc trong khoa tim mạch.
"Các bác sĩ chúng tôi có rất nhiều lựa chọn khi kê thuốc, từ những loại thuốc nội đến các sản phẩm của các công ty nước ngoài. Công ty của anh ấy là hãng dược lớn, thương hiện dễ nhận diện, bệnh nhân của chúng tôi thích các loại thuốc ngoại và anh ấy lại là bạn cũ. Mặc dầu tất cả các hãng dược đều đồng ý giảm giá (chiết khấu cho bác sĩ kê toa), song tất nhiên tôi chọn giá mà Feng đưa ra, tại sao lại không nhỉ?".
Lương tháng của Liu từ 4.000 đến 5.000 tệ và ngoài ra là tiền hoa hồng. "Tiền hoa hồng (nhận dược do bán thuốc) là rất phổ biến trong các bệnh viện. Tôi không tính chính xác mức kiếm được mỗi tháng, nhưng tôi không nghĩ nó cao hơn lương của mình", Liu nói.
Jiang Bingkun, 58 tuổi, là bệnh nhân của Liu. Ông mắc chứng cao huyết áp trong hơn 10 năm, và phải uống thuốc đều đặn hàng ngày. Trong vòng vài năm qua, tiền thuốc hàng tháng của ông đã tăng từ 40 tệ năm 2001 tới hơn 300 tệ hiện nay.
"Tôi thấy chính phủ đã công bố danh sách thuốc thiết yếu và đặt trần giá cho một số loại thuốc với các bệnh kinh niên, điều đó thật tốt. Tuy nhiên, tôi cũng thấy rằng một số loại thuốc tốt và rẻ lại không hề có sẵn trong bệnh viện. Vì thế, nhìn trung, tiền thuốc men hàng tháng của tôi không hề giảm chút nào", ông nói. Một số bác sĩ đôi khi cũng đề nghị ông thử dùng sản phẩm mới, và cho biết chúng hiệu quả hơn, ít tác dụng phụ hơn.
"Tôi thật sự bối rối. Thật khó để đưa ra quyết định, vì ở tuổi tôi, sức khỏe là ưu tiên hàng đầu, quan trọng hơn cả tiền. Mặt khác, tôi lại không biết loại thuốc mà họ giới thiệu - thường có giá cao hơn - có thực sự tốt như họ nói, hay là do bác sĩ đã nhận tiền", Jiang chia sẻ.
Theo điều tra của một vài cơ quan truyền thông Trung Quốc, giá của các loại thuốc trong bệnh viện cao hơn nhiều trong nhà máy, đôi khi cao gấp 10 lần.
Chẳng hạn, loại thuốc Clindamycin phosphate - điều trị viêm phế quản mãn tính - giá tại nhà sản xuất chỉ có 0,6 tệ một viên, nhưng khi đến nhà phân phối đã là 4 tệ. Thuốc này sau đó đến tay người bệnh ở các bệnh viện trung ương với giá 12,65 tệ.
Nhiều người khẳng định rằng các hãng dược, trình dược viên, bệnh viện và bác sĩ đang góp phần thổi giá thuốc và kiếm được khoản béo bở từ đó.
Ngày 1/12 vừa qua, Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc, cơ quan thiết lập giá, đã thực hiện cuộc điều tra trên quy mô toàn quốc về giá dược phẩm, nhằm tìm ra giá trị thực của các loại thuốc, mở đường cho việc đưa chúng xuống.
Để định giá dược phẩm, Trung Quốc hiện sử dụng hệ thống giá trần. Nghĩa là nhà sản xuất tính hết mọi chi phí và kê khai giá "trần" của thành phẩm, được cơ quan chức năng xác nhận. Sau đó hãng dược sẽ phân phối loại thuốc này với giá không vượt mức trần cho phép.
Thắc mắc nảy sinh ở đây là vì sao cơ quan chức năng lại cho mức "trần" cao đến vậy, và tại sao giá bán thông thường cũng tăng cao theo.
Tại các bệnh viện, nếu được chấp thuận, giá bán thuốc sẽ cao hơn giá bán thông thường khoảng 15%, và phần chênh ra được tặng cho bệnh viện.
"Vì thế, nếu chúng ta thấy giá thuốc bệnh viện cao hơn nhiều so với giá của nhà sản xuất, thì sự chênh lệch đó đến từ đâu? Bạn có thể dễ dàng nhìn thấy rằng ở vế thứ hai của phương trình, phần này rất chi là linh hoạt", Zhuang Yiqiang, phó tổng thư ký của Hiệp hội các bệnh viện Trung Quốc cho biết, đồng thời bổ sung thêm rằng các chi phí này dùng để nuôi béo các nhà phân phối, đại lý dược, cơ quan quảng cáo và cả một số bác sĩ nữa.
Liu là một trong số hơn 2 triệu bác sĩ tại Trung Quốc. Sau 8 năm học đại học, cô bắt đầu làm việc tại bệnh viện công từ năm 2009. "So với chi phí đào tạo và những gì tôi phải làm để điều trị 50 bệnh nhân mỗi ngày, trong khi lại có quá ít thời gian để làm việc khác, tôi tin rằng lương mình quá thấp. Tuy nhiên, tôi không muốn bỏ việc, cô nói".
Nữ bác sĩ trẻ 27 tuổi trông như đã ngoài 30, ăn mặc giản dị và không hề trang điểm. Cô ăn cơm hộp, chỉ có thể đọc blog của mình vào bữa trưa hoặc cuối tuần, vì còn phải học thêm vào mỗi tối trong tuần. Mặc dù vậy, cô đang chuẩn bị đi tu nghiệp nước ngoài.
"Làm bác sĩ là việc rất vất vả ở Trung Quốc. Tôi dự định tiếp tục công việc ở nước ngoài, hy vọng sẽ có thu nhập thỏa đáng và áp lực công việc hợp lý", Liu nói, trong khi lấy chè từ một hộp sắt tây in tên của một loại thuốc và logo của nhà sản xuất, đồng thời nghịch chiếc bút có tên của một công ty dược khác, mặc dù tấm bảng trên bàn cô ghi: "Không giới thiệu thuốc".
Còn Feng, thú nhận rằng sau khi ra trường, thu nhập là yếu tố chủ yếu khiến anh cân nhắc công việc này. Anh cũng tin rằng trình dược viên sẽ giúp giảm quá tải cho bác sĩ, và tiết kiệm thời gian cho họ bằng cách cập nhật những phát triển mới nhất trong ngành dược.
"Tuy nhiên, tôi không nghĩ đó là những gì tôi đang làm, ngoại trừ một số bài thuyết trình chuyên nghiệp - và chúng chủ yếu nhằm để quảng cáo một loại thuốc nào đó", anh nói.
Điều làm anh nản lòng và phiền muộn nhất là thái độ của mọi người, đặc biệt là của bác sĩ và bệnh nhân. Nhưng anh cũng tự an ủi rằng đã được bù đắp phần nào bằng thu nhập. Công ty của Feng có hàng trăm trình dược viên như vậy, và đang có kế hoạch nhân đôi số nhân viên tại Trung Quốc trong vài năm tới.
Cuối tháng 11 vừa qua, Sun Zhigang, giám đốc cơ quan cải cách dược phẩm của Hội đồng Trung ương cho biết Trung Quốc sẽ cải cách hơn nữa hệ thống phân phối dược phẩm, phá vỡ sự phụ thuộc của các bệnh viện vào thuốc của các doanh nghiệp lớn, giảm thiểu ảnh hưởng của các hoạt động hối lộ, tham nhũng như "chiết khấu, hoa hồng" cho bác sĩ.
TẠP CHÍ GIA ĐÌNH -
T. An