Theo Trung tâm sắc ký Hải Đăng, một trung tâm chuyên xét nghiệm thực phẩm tại TP HCM, mẫu nước mía được lấy ngẫu nhiên tại một hàng nước quảng cáo “siêu sạch” mang đi xét nghiệm hồi cuối tháng 5 và kết quả cho thấy có 2 chỉ tiêu vi sinh vượt ngưỡng cho phép.
Cụ thể, các chỉ số xét nghiệm cho thấy, trong 1 ml nước mía nguyên chất có chứa khoảng 210.000 vi sinh vật hiếu khí, 490.000 vi khuẩn Coliforms. Các chỉ số này cao hơn từ 1.000 đến 10.000 lần so với chỉ tiêu về quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm của Bộ Y tế.
Đây không phải là lần đầu “nước mía siêu sạch” từ những xe nước mía bán ở ven đường tại TP HCM bị phát hiện vi phạm tiêu chuẩn vi sinh. Cùng với nước mía, các mẫu nước sâm, nước bông cúc… cũng không đạt yêu cầu an toàn vi sinh.
Các xét nghiệm trước đây tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM từng cho thấy lượng vi sinh vật hiếu khí, khuẩn Coliforms, E.Coli trong nước mía cũng vượt quy định. Do thực trạng này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng nên không ít hộ kinh doanh nước giải khát đã bị nhắc nhở.
Các chuyên gia bệnh nhiễm cho biết, tuy không gây bệnh nguy hiểm nhưng tùy vào cơ địa, khuẩn Coliforms và một số vi sinh vật hiếu khí có thể gây các bệnh tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa.
Phân tích nguyên nhân khiến nhiều loại nước uống bán vỉa hè như trà đá, nước mía, nước sâm nhiễm vi sinh, các chuyên gia thực phẩm nghĩ nhiều đến nguyên liệu, vật chứa và bảo quản.
Cụ thể ở nước mía, vi khuẩn xuất hiện số lượng nhiều hơn quy định có thể do mía trước khi đưa vào ép chưa được rửa sạch, máy ép mía không được rửa kỹ, đá được làm từ nước vốn đã chưa được xử lý…
Theo Ngôi sao