Bệnh viêm đường tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu (bao gồm thận, bàng quang và niệu quản).
Viêm bàng quang là hay gặp và thường không nghiêm trọng nếu được điều trị nhanh. Nhưng nếu nhiễm trùng lan lên thận, nó có thể gây bệnh nặng hơn.
1. Triệu chứng
Triệu chứng của viêm bàng quang
Phần lớn viêm đường tiết niệu là viêm bàng quang. Các triệu chứng của viêm bàng quang gồm:
- Đau và rát khi đi tiểu
- Tiểu gấp
- Đau bụng dưới
- Nước tiểu đục hoặc mùi hôi
- Một số người có thể không có triệu chứng
Triệu chứng của viêm thận
Viêm bàng quang không được điều trị có thể lan lên thận. Các dấu hiệu của viêm thận bao gồm:
- Đau một bên thắt lưng
- Sốt và rét run
- Buồn nôn và nôn
2. Khi nào cần đi khám bệnh
Hãy đi khám bệnh nếu bạn có các dấu hiệu của viêm đường tiết niệu. Viêm bàng quang thường không phải là cấp cứu nội khoa, nhưng một số người có nguy cơ cao bị biến chứng. Những đối tượng này bao gồm phụ nữ có thai, người già, nam giới, người mắc bệnh tiểu đường, rối loạn thận, hoặc suy giảm hệ miễn dịch.
3. Chẩn đoán phân biệt
Mặc dù bỏng rát khi đi tiểu là một dấu hiệu cảnh báo của viêm đường tiết niệu, nhưng nó cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh lây truyền qua đường tình dục (như nhiễm Chlamydia, bệnh lậu, và nhiễm Trichomonas). Các xét nghiệm đơn giản có thể phân biệt được viêm đường tiết niệu và bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Những điều bạn nên biết về bệnh viêm đường tiết niệu. (Ảnh minh họa)
4. Biến chứng
Mối nguy hiểm chính liên quan với viêm đường tiết niệu không được điều trị là nhiễm trùng có thể lan từ bàng quang lên một hoặc hai thận. Khi vi khuẩn tấn công thận, chúng có thể gây tổn thương thận và làm giảm vĩnh viễn chức năng thận. Ở những người bị bệnh thận, điều này có thể làm tăng nguy cơ suy thận. Tuy hiếm gặp nhưng nhiễm trùng cũng có thể đi vào dòng máu và lan tới các tạng khác.
5. Yếu tố nguy cơ
Viêm đường tiết niệu hay gặp nhất ở phụ nữ có quan hệ tình dục. Các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ của bạn, bao gồm:
- Không uống đủ nước
- Tắm quá nhiều
- Nhịn tiểu
- Sỏi thận
6. Điều trị
Thường thì kháng sinh kê đơn sẽ chữa khỏi viêm đường tiết niệu. Các chuyên gia y tế có thể khuyên bạn uống nhiều nước và đi tiểu thường xuyên để tống khứ vi khuẩn. Viêm thận cũng có thể được điều trị bằng kháng sinh đường uống. Trường hợp viêm thận nặng có thể cần phải nằm viện để dùng một liệu trình kháng sinh đường tĩnh mạch.
Điều trị viêm đường tiết niệu tái phát
Một số phụ nữ bị viêm đường tiết niệu tái diễn nhiều lần. Nếu bạn bị từ 3 lần trở lên trong 1 năm, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về cách ngăn ngừa hoặc giảm thiểu nhiễm trùng này. Những lựa chọn của bạn có thể bao gồm:
- Dùng kháng sinh liều thấp trong thời gian dài
- Dùng một liều kháng sinh sau khi quan hệ tình dục
- Dùng kháng sinh tự điều trị ngay sau khi xuất hiện triệu chứng
7. Phòng ngừa
Một số cách dưới đây có thể làm giảm nguy cơ viêm đường tiết niệu:
- Uống nhiều nước
- Vệ sinh trước và sau khi quan hệ tình dục
- Lau, rửa vùng sinh dục từ trước ra sau
- Tắm dưới vòi hoa sen thay cho bồn tắm