Theo học thuyết Ngũ hành thì mùa thu thuộc hành Kim, và tạng phế trong ngũ tạng cũng thuộc Kim. Trong mùa thu, người ta dễ bị các bệnh của hệ hô hấp, bệnh của đại trường, như đại tiện bí, đại tiện táo, viêm dạ dày-ruột cấp tính, bệnh viêm nhiễm như lỵ a-mip, thương hàn, viêm não B, sốt rét…
Sau đây là những món ăn có ích cho sức khỏe trong mùa thu:
Nước hoài sơn (củ mài, sơn dược): hoài sơn 150g, rửa sạch gọt vỏ thái lát, cho vào nồi thêm ít nước nấu lấy nước cốt. Ăn hoài sơn, uống nước, dùng cho người bị lao phổi, ho, ra mồ hôi trộm hay tự ra mồ hôi
Cháo hoài sơn: hoài sơn sống 120g, gạo tẻ 50g.
Hoài sơn thái lát, gạo vo sạch, hai thứ nấu cháo, chia ăn nhiều lần trong ngày. Hoặc dùng hoài sơn sống 60g, ý dĩ nhân sống 60g, hồng khô 30g, gạo tẻ 50g, nấu thành cháo nhừ để ăn trong ngày.
Cháo hoài sơn là vị thuốc tốt mùa thu
Hoài sơn có tình bình hòa, chứa nhiều chất dinh dưỡng. Có tác dụng bồi dưỡng khí lực, thủy giải tinh bột, trợ giúp tiêu hóa, bổ khí kiện tỳ.
Hồ đào nhục hấp hồng khô: hồ đào nhục (quả óc chó) 100g, quả hồng khô 100g, cùng cho vào 1 tô chưng cách thủy cho chín. Ngày ăn một lần vào lúc đói bụng.
Cháo ý dĩ - táo đỏ: gạo nếp 50g, ý dĩ 30g, táo đỏ 8 quả.
Tất cả rửa sạch, cùng cho vào nồi nấu thành cháo nhừ, chia ăn 2 - 3 lần trong ngày.
Nước bách hợp (củ tỏi rừng): bách hợp tươi 2 - 3 củ (thân hành), tách múi làm đôi, rửa sạch, vắt lấy nước, uống với nước ấm.
Bách hợp nấu đường: bách hợp vừa đủ, tách múi làm đôi rửa sạch, cho vào nồi thêm nước nấu nhừ, thêm đường trắng, dùng lượng vừa đủ tùy lúc.
Bách hợp nấu mía: bách hợp 60g, tách múi làm đôi rửa sạch, cho vào nồi thêm nước nấu chín, đổ vào nước mía, nước vắt cà rốt mỗi thứ nửa ly, trộn đều. Dùng uống sáng và chiều, ngày 1 thang, dùng cho lao phổi do hư nhiệt.
Bách hợp có vị đắng, tính hàn, tác dụng nhuận phế, tiêu đàm, trừ ho, thanh nhiệt, dưỡng tâm, an thần, lợi tiểu. Thường dùng trong các trường hợp phế hư, lao phổi, ho khan hoặc ho có đàm vàng đặc, ho ra máu, viêm phế quản, suy nhược thần kinh, tim đập mạnh, hồi hộp, phù thũng.
Cá chạch nấu tỏi: tỏi 1 củ, lột vỏ; cá chạch 2 con, bỏ nội tạng rửa sạch. Tất cả cùng cho vào nồi thêm nước nấu canh. Ăn cá, uống nước canh, ngày ăn 1 lần.
Canh cá chép nấu táo đỏ: cá chép 1 con, cạo vảy bỏ nội tạng, rửa sạch; táo đỏ bỏ hột 10 quả, cùng với cá cho vào nồi thêm nước nấu canh.
Ăn cá, táo, uống nước canh, cách ngày ăn 1 lần.
Nước vắt lê - củ sen - tỏi: nước vắt quả lê 50ml, nước vắt củ sen 30ml, nước vắt tỏi 5ml, tất cả cùng trộn đều trong ly, một lần uống sạch, ngày 1 lần.
Phổi heo tiềm hạnh nhân: phổi heo 1 đôi, rửa sạch, ép ra nước và máu, thái lát cho vào nồi thêm nước, đổ vào hạnh nhân vừa đủ nấu chín. Uống canh ăn phổi heo.
Trà ngân nhĩ: gồm mộc nhĩ trắng 20g, đường phèn 20g, trà tốt 15g.
Rửa sạch mộc nhĩ trắng, cho vào nồi cùng với đường phèn và nước vừa đủ để hầm cho nhừ. Ngâm trà với nước sôi khoảng 5 phút rồi lọc lấy nước cho vào nồi canh mộc nhĩ trắng, trộn đều.
Ngày uống 1 thang, uống vào lúc nào cũng được. Tác dụng bổ âm, nhuận phế, trừ đàm. Rất thích hợp với những người có tạng gầy, da khô, hay bị ho khan hoặc có đàm đặc.
Song nhĩ thang: gồm mộc nhĩ trắng 10g, mộc nhĩ đen (nấm tai mèo) 10g, đường phèn 30g.
Lấy hai loại mộc nhĩ trắng và đen đem ngâm nước nóng cho nở, ngắt bỏ chân, loại tạp chất, rửa sạch rồi cho vào bát cùng với đường phèn và nước vừa đủ. Đưa bát vào nồi hấp hoặc chưng cách thủy khoảng 1 giờ cho mộc nhĩ chín là được.
Khi dùng, ăn luôn cả mộc nhĩ lẫn nước đường. Ngày dùng 2 lần, trước bữa ăn từ 1 - 2 giờ. Tác dụng bổ âm, bổ thận, nhuận phế.
Món ăn này rất thích hợp với người bị xơ vữa động mạch, huyết áp cao do can thận âm hư, người thường ho hen do phế âm hư.
Canh hải sâm ngân nhĩ: hải sâm 25g, ngân nhĩ 20g, rượu vang, muối, mỗi thứ lượng thích hợp.
Hải sâm xắt thành miếng nhỏ, ngân nhĩ ngâm trong nước ấm, xé thành miếng nhỏ, bỏ hai thứ vào nước sôi rửa sạch, vớt ra để ráo.
Cho một lượng nước thích hợp vào nồi, bỏ hải sâm, ngân nhĩ, rượu, muối, dùng lửa nhỏ nấu 10 phút là được. Dùng trong các bữa ăn.
Nước ngân nhĩ, chuối tiêu: ngân nhĩ 30g, chuối tiêu 1 quả.
Ngân nhĩ rửa sạch, thêm nước nấu nhừ, chuối tiêu thái đoạn ngắn cùng nấu với ngân nhĩ một lát là có thể ăn được. Mỗi ngày ăn một bát.
Vịt nấu hạt sen: vịt 1 con, hạt sen 50g, cải bẹ trắng 50g, gừng 5g, hành 5g, tỏi 10g, muối một ít.
Hạt sen ngâm nước ấm; cải ngâm nước, rửa sạch; vịt làm sạch, bỏ đuôi, móng và nội tạng, ướp gừng, hành, tỏi đập dập.
Bỏ vịt và hạt vào nồi, đổ vào chừng nửa lít nước, dùng lửa lớn nấu sôi. Sau đó vặn lửa nhỏ nấu thêm 45 phút thì cho cải vào, nấu đến khi nước sôi lại là được. Mỗi tuần ăn một lần.
Tác dụng bổ thận âm, bổ phế, trừ ho, hạ huyết áp.
Vịt hầm hoài sơn, câu kỷ tử: thịt vịt 100g, câu kỷ tử 10g, hoài sơn 30g, gia vị các loại.
Vịt làm sạch, cho vào nồi đất cùng các dược liệu, thêm nước vừa đủ để hầm nhừ rồi nêm gia vị. Chia ăn vài lần trong ngày.
Tác dụng bổ phế, bổ tinh khí, cường gân cốt, dùng cho các trường hợp phế khí suy, ho suyễn, cơ thể suy nhược, gầy còm, ốm yếu.
Gà ác hầm nhị đông: gà ác 1 con, thiên môn đông 20g, mạch môn đông 20g, rượu khai vị 10g, muối 4g, bột nêm 3g, gừng 5g, hành 10g, tiêu bột 3g.
Thiên môn đông tẩm nước cho ướt; mạch môn đông ngâm nước một đêm, đập vỡ, lấy cọng cứng bên trong ra, rửa sạch. Gà ác làm sạch, mổ bỏ nội tạng và móng. Gừng đập dập; hành xắt khúc.
Cho tất cả nguyên liệu vào nồi chưng với 2 lít nước; dùng lửa lớn nấu sôi mạnh, để lửa nhỏ, hầm khoảng 30 phút; nêm muối, bột nêm, tiêu bột vào là được. Dùng ăn vào lúc đói bụng.
Tác dụng bổ phế, bổ thận, tư âm, bổ huyết, trừ ho suyễn, giảm béo phì.
Thiên đông còn gọi là thiên môn đông. Có tác dụng dưỡng âm thanh nhiệt, nhuận phế bổ thận. Mạch đông còn gọi là mạch môn đông, tác dụng giống như thiên đông.
Hai loại dược liệu này là thuốc Nam, rất thích hợp với các chứng âm hư phế táo, miệng khô, ho có đàm, âm hư thấp nhiệt, nóng sốt hâm hấp vào buổi chiều, ra mồ hôi trộm (đạo hãn), chân gối tê mềm.