1. Chú ý bổ sung Vitamin D
Bạn có thể ít gặp rắc rối về sức khỏe nếu bạn "nạp" đủ vitamin D cho cơ thể. Cơ thể có khả năng tự tổng hợp vitamin D từ ánh sáng mặt trời, nhưng như thế chưa đủ. Bạn có thể bổ sung vitamin từ các loại cá béo (cá thu, cá hồi...) và sữa...
Một nghiên cứu mới trong tạp chí American Journal of Clinical Nutrition cho thấy rằng việc bổ sung vitamin D sẽ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể. Nghiên cứu trên được tiến hành với hơn 300 trẻ em Nhật Bản, những trẻ được bổ sung vitamin D hàng ngày (1.200 IU) thì khả năng nhiễm các loại virus cúm phổ biến giảm 40% so với những đứa trẻ thiếu vitamin D.
Bác sỹ Adit Ginde - một nhà nghiên cứu y tế công cộng tại Đại học Colorado School of Medicine ở Denver cho biết, một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chỉ ra rằng các chất dinh dưỡng có thể giúp các tế bào miễn dịch xác định và tiêu diệt vi khuẩn, virus gây bệnh. Nhằm mục đích này, cơ thể chúng ta cần bổ sung ít nhất 1.000 IU vitamin D mỗi ngày (tuy nhiên bạn cần hỏi ý kiến bác sỹ khi cần uống liều lượng lớn hơn).
2. Không quên chất xơ hòa tan
Theo một nghiên cứu gần đây trong tạp chí Brain, Behavior and Immunity (Tạp chí các hành vi, não và miễn dịch) thì những con chuột có chế độ ăn uống giàu chất xơ hòa tan sẽ chỉ mất một nửa thời gian phục hồi sau khi bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh so với những con chuột có chế độ ăn giàu chất xơ hỗn hợp.
Cố gắng tận dụng chất xơ mỗi ngày giúp bạn tăng cường miễn dịch
Chất xơ hòa tan phong phú trong các loại trái cây họ cam quýt, táo, cà rốt, đậu và yến mạch. Nó có thể giúp cơ thể "chiến đấu" chống lại chứng viêm. Chất xơ không hòa tan có nhiều trong lúa mì, ngũ cốc, các loại hạt và rau lá xanh cũng quan trọng đối với sức khỏe tổng thể, nhưng nó dường như không có tác động tương tự như chất xơ hòa tan trên hệ miễn dịch. Vì vậy, bạn nên cố gắng dung nạp chất xơ hòa tan mỗi ngày.
3. Ưu tiên nguồn protein nạc
Hạn chế calo có thể làm giảm nồng độ các hợp chất trong cơ thể, làm tăng hệ thống miễn dịch của bạn. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy những người có cân nặng bình thường nên hạn chế tích tụ quá nh nhiều calo trong cơ thể, vì nó có thể gây béo phì và ảnh hưởng cơ chế hoạt động của các hệ thống trong cơ thể.
Có một điều bạn cần nhớ là khi bạn cắt giảm lượng calo, bạn cần chú trọng hơn về chất lượng để cơ thể không bị thiếu năng lượng. Hãy ăn nhiều trái cây, rau quả và đặc biệt là nguồn protein nạc (chẳng hạn như cá, thịt gà và sữa ít chất béo...) để cung cấp calo cần thiết cho cơ thể. Protein nạc không những tăng cường calo mà còn giúp kiến tạo các tế bào - bao gồm cả "sức mạnh" của hệ miễn dịch. Không "nạp" đủ lượng protein thì "sức mạnh" của các bạch cầu sẽ bị suy yếu.