Dưới đây là một vài “chiêu” vui xuân mà vẫn giữ sức khỏe.
Thức khuya
Thức khuya, dậy trễ dễ dẫn đến tình trạng đỏ mắt. Trong tình huống này, xử trí sai lầm thường gặp là bệnh nhân dùng thuốc nhỏ mắt tùy tiện chứa thành phần kháng sinh (như sulfacetamide sodium) hay steroid, sử dụng lâu ngày sẽ gây hại cho mắt, nghiêm trọng có thể gây mù lòa.
Nếu người mang kính sát tròng dùng thuốc benzalkonium chloride thì thuốc sẽ tích tụ trên mặt kính, dẫn đến viêm mắt. Tốt nhất là nên ngủ và nghỉ ngơi đầy đủ, trước khi ngủ có thể nhỏ thuốc có thành phần tạo nước mắt (hypromellose).
Bên cạnh tình trạng đỏ mắt do thức khuya, nhiều người còn bị đau lưng, mỏi khắp người vì ngồi lâu. Để cải thiện, có thể dùng khăn nóng đắp chỗ đau mỏi giúp máu vận hành. Nếu muốn dùng dầu thoa thì nên chọn loại có thành phần menthol hay methyl salicylate, có tác dụng giảm đau. Phương pháp tốt nhất là tắm nước ấm giúp cơ thể gia tăng tuần hoàn máu, “hô biến” acid lactic, nhờ đó sự mệt mỏi cũng được thuyên giảm.
Men rượu
Việc uống nhiều bia rượu thường gây ra những cơn đau đầu sáng hôm sau. Thông thường để “xoa dịu” cơn đau, sai lầm thường gặp là dùng thuốc giảm đau bừa bãi, chẳng hạn như paracetamol, aspirin... Aspirin rất có hại cho dạ dày, những người vốn có bệnh đau dạ dày nên kiêng dùng, còn paracetamol nếu dùng chung với rượu sẽ vô cùng nguy hại cho gan.
Chữa trị hậu quả của rượu đúng cách là trước khi ngủ nên uống nhiều nước (nhằm giảm nồng độ rượu trong máu) giúp cải thiện tình trạng thiếu nước của cơ thể, sáng hôm sau người quá chén có thể bớt đau đầu. Ngoài ra nên ăn nhiều trái cây giàu potassium như chuối, uống nhiều nước ép trái cây, uống nước xúp thịt để cung cấp thêm cho cơ thể các loại vitamin và các chất điện giải, giúp cơ thể lấy lại năng lượng.
Ăn nhiều thịt sống hay hải sản sống có thể gây tiêu chảy, người bệnh nên uống nước ấm giúp giảm đau bụng.
Khẩu hại xác phàm
Nếu bị tiêu chảy do ăn thịt sống hay hải sản sống thì nên uống nước ấm giúp giảm đau bụng, vài ngày đầu không nên ăn rau sống, trái cây, thức ăn lạnh và sữa bò, chỉ nên dùng cháo thêm muối để bổ sung muối khoáng và phần nước. Muốn dứt tiêu chảy tạm thời, có thể dùng thuốc trong thành phần có loperamide. Tuy nhiên cần tham khảo ý kiến của bác sĩ và dược sĩ.
Không nên dùng ngay thuốc chống tiêu chảy vì tiêu chảy là chức năng điều tiết tự động của cơ thể. Thuốc chống tiêu chảy sẽ làm giảm nhu động ruột, làm cho thức ăn bẩn lưu lại trong cơ thể, ngăn cản việc bài tiết độc tố ra ngoài có hại cho sức khỏe. Tiêu chảy 1-2 lần không cần dùng thuốc, 4-5 lần thì cần đến gặp bác sĩ chứ không nên tự ý mua thuốc.
Nếu bị khó tiêu, đầy bụng
Trước khi dùng thuốc, bạn có thể thực hiện mấy điều sau:
- Nên ăn chậm, nhai kỹ, tạo không khí thoải mái trong bữa ăn, tránh dùng các thực phẩm cho thấy gây chứng khó tiêu (như thức ăn chiên quá nhiều dầu mỡ), không lạm dụng rượu, cà phê, thuốc lá, gia vị gây kích thích quá đáng.
- Dùng gừng giã nhỏ lấy nước hòa với nước ấm để uống.
- Chỉ nên dùng các thuốc trị khó tiêu khoảng 5-7 ngày, nếu sau đó không cải thiện nên đi bác sĩ khám bệnh (đặc biệt người trên 45 tuổi càng nên đi khám bệnh tổng quát).
Trong trường hợp dùng thuốc:
- Thuốc chống acid, chống đầy hơi: được dùng khi bị chứng khó tiêu đầy bụng do dư acid dịch vị, tức là chất chua trong dạ dày tiết ra nhiều quá. Có thể dùng Maalox Plus, Simelox, Phosphalugel, Gasvicon, Pepsan... Hoặc dùng dạng sủi bọt như Normogastryl. Hoặc dùng thuốc kháng tiết acid như Ranitidin, Omeprazol...
- Thuốc giúp điều hòa sự co bóp dạ dày: Dùng khi sự co bóp dạ dày kém đưa đến sự chuyển đẩy thức ăn từ dạ dày xuống ruột chậm. Có thể dùng thuốc như metoclopramid (Primpéran) domperidon (Motilium-M).
- Thuốc giúp tiêu hóa: Đó là thuốc chứa các men tiêu hóa để giúp sự tiêu hóa thức ăn ở dạ dày dễ dàng hơn như Festal, Pancrélase, Neopeptine, Alipase... Hoặc là thuốc chứa mật, làm lợi mật hoặc thông mật như Spasmenzyme, Artichaut (BAR), Sulfarlem, Sorbitol...
Liều lượng và cách uống có thể hỏi dược sĩ, nhân viên bán thuốc tại các nhà thuốc để được hướng dẫn dùng.
|
Theo DS Nguyễn Bá Huy Cường (Tuổi trẻ)