Những trái mít non chín sau chỉ 1 đến 2 ngày nhờ sử dụng thuốc. Ảnh: Thành Chung
Tương tự như vậy, chị Thanh Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng mua cả một quả mít gần 8kg với giá gần 180.000 đồng về nhà. “Khi mua về dù nhìn vỏ xanh nhưng mùi đã rất thơm, đến khi bổ ra các múi to đều, màu vàng óng, nhưng khi ăn lại rất nhạt và sượng sượng. Không những thế, xơ mít rất trắng và nhựa nhiều, dính chẳng khác gì mấy quả mít non”, chị Phương cho hay.
Những người lái buôn tại khu vực chợ đầu mối Long Biên và một số người bán rong tại khu vực đường 32 cho biết, chủ buôn mít từ miền Nam ra đã thu mua cả những trái mít non và dùng thuốc để kích thích cho nhanh chín. “Giờ cứ mua cả vườn là chảy hết cả non lẫn già rồi về tiêm thuốc thúc chín vào phần đầu lõi của quả chỉ 1 – 2 ngày là chín thôi chứ đâu phải chờ lâu như trước”, một người buôn mít ở chợ Long Biên tiết lộ.
Còn theo một số người bán rong mít trên đường 32, thực chất tên thuốc là gì họ không biết rõ mà chỉ biết thuốc đó có dạng nước, dùng để làm chín các loại hoa quả. Theo chỉ dẫn của những người bán, phóng viên đã tìm mua được loại thuốc dạng nước có tên “Thúc chín tố” bên ngoài bằng tiếng Việt. Thuốc được đựng trong một lọ nhựa nhỏ chừng 5ml, có hai màu trắng đục hoặc vàng, ngoài ra không hề có bất cứ thông tin về hàm lượng, chất lượng.
Giá của những lọ này chỉ từ 2.000 – 2.500 đồng.
Theo hướng dẫn của những người hướng dẫn, chỉ cần tiêm nửa lọ thuốc này vào phần cuống không cần biết mít non hay già, chỉ sau 1 – 2 ngày sẽ chín đều, có mùi thơm nồng như thông thường. “Không biết độc hại thế nào nhưng khi làm thì nên đeo găng tay và khẩu trang vào cho an toàn”, người cung cấp khuyên. Cũng theo người cung cấp, không chỉ dùng để tiêm vào mít, loại thuốc này còn được nông dân ở nhiều địa phương sử dụng để giấm chín các loại chuối, đu đủ, cà chua, dứa…
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, thuốc thúc chín có nhiều loại khác nhau. Hoạt chất có trong “Hoa quả thúc chín tố” là ethrel. Hoạt chất này có trong danh mục thuốc điều hòa sinh trưởng nhưng chỉ dùng để kích thích mủ cao su. Hoạt chất này cũng có trong đất đèn.
“Ở nhiều nước trên thế giới, chất này đã bị cấm sử dụng trong việc bảo quản trái cây. Nếu phun hoặc nhúng chất này sẽ tạo ra dư lượng, dễ gây ngộ độc cho người ăn. Nguy hiểm hơn, etylen tác dụng với thành phần nitơrat trong quả sẽ tạo ra chất etylenglycol dinitrat, một chất rất độc cho người sử dụng”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Tra trong bảng danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam cũng không có tên loại thuốc này. "Đây là chất không có nguồn gốc, xuất xứ, thông tin về hàm lượng, chất lượng rõ ràng và chưa được kiểm định nên người dân cần hết sức cẩn trọng, không nên sử dụng chúng, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân cũng như cộng đồng", chuyên gia này khuyên.