Nhiễm giun xoắn là một quá trình nhiễm độc gây viêm dị ứng các mao mạch, gây hoại tử cơ và gây thiếu ôxy tổ chức.
Sau 5 - 7 ngày kể từ khi nhiễm giun xoắn, bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tiêu hóa nhẹ như đau âm ỉ vùng thượng vị, táo bón hoặc tiêu chảy, kèm theo nôn, có khi chỉ có cảm giác buồn nôn.
Khoảng vài tuần sau, khi ấu trùng giun xoắn từ máu vào cư trú ở cơ vân (tạo thành kén), các triệu chứng mới biểu hiện rầm rộ: bệnh nhân sốt cao 39-40°C nếu ấu trùng giun có nhiều trong cơ; trường hợp ít ấu trùng giun xoắn trong cơ vân, bệnh nhân sốt kéo dài hàng tháng.
Kèm theo sốt, bệnh nhân thấy đau cơ, đặc biệt là các nhóm cơ ở tay, chân nên bệnh nhân vận động rất khó khăn.
Ngoài các triệu chứng điển
hình như đã nêu, bệnh nhân có thể bị nổi ban dị ứng trên da, hoặc có những đốm xuất huyết. Những trường hợp nhiễm giun xoắn nặng, dấu hiệu thiếu ôxy tổ chức khá
rõ rệt biểu hiện bởi rối loạn tâm thần như cuồng sảng hoặc ngủ gà,
huyết áp hạ, mạch nhanh nhỏ...
Một số biến chứng có thể gặp ở bệnh nhân nhiễm giun xoắn là suy hô hấp do đau làm hạn chế hoạt động của cơ hoành và cơ ngực cộng hưởng bởi rối loạn quá trình hô hấp ở tế bào; bội nhiễm vi khuẩn (viêm nhiễm ngoài da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi...); xuất huyết dưới da hoặc xuất huyết phủ tạng; suy gan, suy tim do thiếu ôxy kéo dài...
Để phòng ngừa bệnh giun xoắn, biện pháp hàng đầu là không ăn thịt lợn tái, không ăn nem chua; quản lý tốt khâu kiểm dịch trước khi giết mổ lợn; vệ sinh sạch sẽ các điểm giết mổ gia súc. Ở những vùng có thói quen ăn thịt chuột cần từ bỏ và tăng cường diệt chuột.