Củ riềng có tên là phong khương, cao lương khương, tiểu lương khương, có khá (Thái), kìm sung (Dao). Ở nước ta, cây riềng mọc hoang và được trồng ở khắp nơi, không chỉ được dùng làm gia vị mà còn được sử dụng làm thuốc. Bộ phận làm thuốc rễ (củ) phơi khô.
|
Củ riềng - thần dược cho sức khỏe mọi gia đình. |
Riềng là nguồn cung cấp dồi dào các chất natri, sắt, chất xơ, vitamin A, C và flavanoid… Những dưỡng chất này đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì sự khỏe mạnh cho cơ thể.
Riềng chứa các hoạt chất mang đặc tính kháng viêm nên rất có ích trong việc điều trị viêm khớp, thấp khớp, phong thấp, đau cơ bắp và giúp vết thương mau lành mà ít để lại sẹo. Bên cạnh đó, nó cũng còn có khả năng điều trị chứng khó tiêu, giúp làm giảm khó chịu gây ra do viêm loét dạ dày.
Riềng còn chứa nhiều chất chống ôxy hóa giúp giảm thiểu các tác hại gây ra bởi các gốc tự do và những độc tố khác trong cơ thể. Từ đó, góp phần phòng ngừa và điều trị các căn bệnh về da như ghẻ, lang ben, lở loét và sưng viêm.
Để cải thiện sự lưu thông máu trong cơ thể, bạn nên bổ sung riềng vào thực đơn ăn uống hàng ngày của mình. Không chỉ mang lại hương vị thơm ngon đặc biệt cho từng món ăn, củ riềng còn có tác dụng trị bệnh mà không phải ai cũng biết.
Bài thuốc chữa bệnh có sử dụng riềng
Chữa đau bụng do lạnh
Củ riềng 20g, nụ sim 8g, búp ổi 60g, tất cả sấy khô, tán bột. Ngày uống 3 lần sau ăn, mỗi lần 5g với nước sôi để nguội. Hoặc củ riềng 200g, quế 120g, hậu phác 80g, sấy khô. Sắc uống mỗi lần 12g với 200ml nước, còn 50ml uống trong ngày. Dùng trong 2 – 4 ngày.
Chữa phong thấp
Riềng, vỏ quít, hạt tía tô mỗi vị 60g, sấy khô, tán nhỏ, mỗi lần dùng 4g, có thể pha với một chén nước sôi để nguội hoặc rượu, uống ngày 2 lần. Dùng trong 5 – 7 ngày.
Chữa sốt rét
Bột riềng 300g, bột quế khô, bột thảo quả mỗi thứ 100g, tất cả đem trộn với mật làm viên to bằng hạt ngô. Mỗi ngày dùng 15 viên trước khi lên cơn. Hoặc riềng tẩm dầu vừng sao 40g, gừng khô nướng 35g tán nhỏ, hòa mật lợn làm hoàn thành viên bằng hạt ngô, uống ngày 15 – 20 viên.
Chữa đau dạ dày
Đau dạ dày do hư hàn (đau có thời gian nhất định, gặp lạnh hay đói đau nhiều, đầy bụng, nôn nước trong, đại tiện lỏng, ăn uống không ngon, sợ lạnh, lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch trầm): củ riềng, hương phụ mỗi vị 8g, bách hợp, đan sâm mỗi vị 30g, ô dược 10g, đinh hương 7g, sa nhân 4g. Sắc với 3 bát nước còn 1 bát, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng trong 5 ngày.
Chữa hắc lào
Củ riềng già 100g, giã nhỏ, ngâm với 200ml rượu hoặc cồn 70 độ. Chiết ra dùng dần, khi dùng, bôi dung dịch cồn nói trên vào chỗ tổn thương, ngày bôi 2 – 3 lần.
Chữa lang ben
Củ riềng 100g, lá và củ chút chít 100g, chanh một quả, hai thứ giã nát rồi vắt nước chanh, đun nóng. Khi dùng lấy bông y tế thấm dịch thuốc bôi đều lên vùng tổn thương, ngày bôi 2 lần. Dùng trong 5 – 7 ngày.
Chữa ngộ độc thức ăn, đau bụng, nôn mửa, có những trường hợp đau bụng dữ dội kèm theo đại tiện lỏng, cơ thể có biểu hiện mất nước, rối loại điện giải, mạch nhanh, huyết áp dưới mức bình thường: củ riềng 16g, hoàng liên 10g, biển đậu 12g, bạch truật 12g, hoài sơn 16g, liên nhục 12g, sinh khương (nướng) 10g, thảo quả 10g, quế 6g, chích thảo 10g, bán hạ chế 8g. Cho các vị vào ấm, đổ nước 3 bát, sắc còn 1,5 bát, chia làm 3 lần uống (cách 2 giờ uống 1 lần).
Theo Khoe & Dep