Đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM cho biết, bệnh nhân nhập viện ngày 17/10 trong tình trạng giảm tiểu cầu, ho, sốt cao kéo dài, viêm phổi, có nổi mẩn đỏ qua da. Một ngày sau, bệnh nhân có dấu hiệu suy thận và sức khỏe yếu dần.
"Ban đầu chúng tôi nghĩ bệnh nhân sốt xuất huyết. Sau khi test nhanh cho kết quả âm tính, chúng tôi nghi ngờ ông ta nhiễm Hanta virus nên gửi mẫu sang Viện Pasteur để xét nghiệm. Kết quả không ngoài dự đoán", một bác sĩ cho biết.
Do chưa có thuốc đặc trị, các bác sĩ chỉ điều trị suy thận kết hợp với chữa các triệu chứng viêm phổi. Sau hơn 10 ngày nằm viện, sức khỏe đã bình phục, bệnh nhân được xuất viện với khuyến cáo phải quay lại bệnh viện nếu có dấu hiệu bất thường.
|
Dấu chuột cắn còn in lại trên chân của một người dân. Ảnh: Thiên Chương |
Vợ của bệnh nhân cho biết, khoảng một tháng trước, trong khi nằm ngủ chồng bà bị chuột cống cắn vào ngón chân. Ông không đi tiêm ngừa. "Đến khi ông ấy phát bệnh, chúng tôi chỉ cho rằng bị sốt xuất huyết chứ không nghĩ do chuột cắn", bà vợ nói.
Con trai bệnh nhân cũng 2 lần bị chuột cắn chảy máu ngón chân, lên cơn sốt từ đầu tuần. Kết quả xét nghiệm trưa nay cho thấy, cậu học sinh lớp 11 này âm tính với Hanta virus.
Theo tìm hiểu của VnExpress.net, tuyến đường Trần Văn Đang, phường 9, quận 3 nơi bệnh nhân dương tính với Hanta virus sinh sống cũng có nhiều người bị chuột cắn lúc ngủ. "Chuột ở khu vực này rất nhiều do gần ga tàu hỏa Sài Gòn. Gần như ngày nào cũng có người bị chuột cắn nhưng đây mới là lần đầu tiên có người nhập viện", một người dân cho biết.
Theo bác sĩ Võ Minh Quang, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, bệnh viện này thỉnh thoảng tiếp nhận bệnh nhân dương tính với virus Hanta do tiếp xúc với chuột. Không bệnh nhân nào tử vong, khó khăn nhất của bệnh là dễ bị chẩn đoán nhầm sang bệnh khác.
"Bệnh có biểu hiện ban đầu là sốt cao kéo dài, giảm tiểu cầu nên các bác sĩ dễ nghĩ đến sốt xuất huyết. Đến khi vào cơn suy thận cấp thì việc cứu chữa đã quá muộn", bác sĩ Quang nói.
Tiến sĩ - Bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết, Hanta virus có trong chuột và có thể truyền cho người khi người bị chuột cắn hoặc tiếp xúc với nước tiểu chuột.
"Không phải ai bị chuột cắn hay tiếp xúc với chuột cũng nhiễm Hanta virus. Bệnh nhân có thể khỏi bệnh sau 7-10 ngày. Nguy hiểm ở chỗ chưa có văcxin phòng bệnh, chưa có thuốc đặc trị. Đặc biệt, y văn ghi nhận không ít trường hợp nhiễm Hanta tử vong rất nhanh do chứng suy gan suy thận cấp", bác sĩ Siêu nói.
Tiến sĩ Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur cho hay, Viện đã xuống khu phố khảo sát và bắt được một số chuột mang đi xét nghiệm. "Sau khi có kết quả, Viện sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để có kế hoạch diệt chuột và tuyên truyền cho người dân phòng bệnh", ông Hữu nói.
Theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, việc diệt hết chuột sinh sống dưới cống rãnh ở TP HCM là điều khó có thể. "Từ trước đến nay chúng tôi từng dùng mọi cách, từ đặt bẫy đến dùng thuốc nhưng lượng chuột bị tiêu diệt không đáng là bao", tiến sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu nói.
Từ thực trạng trên, bác sĩ Siêu cho rằng việc cần làm trước tiên là người dân phải có ý thức phòng bị chuột cắn bằng cách ngủ mùng. Dọn dẹp vệ sinh môi trường thật tốt để chuột không vào nhà. Với những trường hợp bị chuột cắn hay tiếp xúc với chuột, nếu thấy sốt cao thì phải lập tức đến bệnh viện và báo cho bác sĩ để được chẩn đoán điều trị.
Thiên Chương