Cô gái kể rằng sắp lấy chồng nên muốn đi làm lại màng trinh. Chồng là người yêu đầu tiên của cô và hai người chưa bao giờ đi quá giới hạn. Dù vậy lúc nào cô cũng đinh ninh rằng mình đã bị rách mất màng trinh vì trót đặt ống thông tiểu khi mổ u nang buồng trứng.
Được bác sĩ hỏi về những bộ phận ở âm đạo, cô gái trẻ ậm ờ: “Cháu nghĩ ở âm đạo có lỗ vừa để tiểu vừa để làm ‘chuyện ấy’. Thế hai lỗ này không phải một hả bác?”
Cô là một trong những bệnh nhân mà bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế lao động (Hà Nội) nhớ mãi. “Nhìn vẻ mặt ngơ ngác của cô gái lúc đấy, tôi thực sự không biết nên khóc hay cười. Lỗ tiểu thì chỉ để đi tiểu thôi, chứ đặt ống thông vào đấy làm sao mà rách đến màng trinh được”, bác sĩ Dung nói.
|
Ảnh minh hoạ: Theelectieffect. |
Cũng theo bác sĩ, chuyện dính bầu cũng có rất nhiều “giai thoại”. Có cô gái trẻ không biết cách tránh thai hiệu quả, cho rằng quan hệ bên ngoài hoặc "yêu" xong thì dùng nước ngọt, nước chanh rửa vùng kín… thì không thể có thai. Ngược lại cũng có những chị em bị ám ảnh quá mức của việc mang thai ngoài ý muốn. Trường hợp của Minh, 19 tuổi, ở Hà Nội, là một ví dụ.
Hớt hải đến phòng khám, cô gái năn nỉ: “Bác sĩ giúp cháu với, khẩn cấp lắm. Cháu đang đi học nhưng hình như cháu có bầu mất rồi. Bạn trai cháu đã cho tay vào cái ấy”. Trong lần đi chơi nửa tháng trước, cô đã để bạn trai cho tay vào “cửa mình”. Khẳng định tay anh ấy không dính gì, nhưng vì là lần đầu tiên làm chuyện đó nên cô rất lo lắng sợ dính bầu. Đến ngày đèn đỏ mà vẫn chưa thấy dấu hiệu gì khiến cô càng lo lắng hơn, mới quyết định đi khám.
“Có cô gái, bạn trai chỉ sờ vào ngực đã lo sợ có bầu đến mất ăn mất ngủ. Có người thì lại sợ bị vô sinh vì người yêu dùng tay cho vào âm đạo 6 lần. Nhiều người đi khám không thể gọi tên chính xác bộ phận mình muốn khám là cái gì, mà chỉ đơn giản là ‘ngứa ở chỗ ấy’, ‘khám chỗ dưới’…”, bác sĩ Dung chia sẻ.
Bà Dung cho rằng một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên hiện nay thiếu kiến thức giới tính, sức khỏe sinh sản. Việc giáo dục cho các em là rất cần thiết, nhằm cung cấp thông tin đúng đắn, phù hợp với lứa tuổi về các biện pháp tránh thai, hiệu quả và nhược điểm của từng biện pháp để giới trẻ biết trước khi muốn "thử nghiệm”.
"Bên cạnh đó, cần cả những thông tin về HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, trách nhiệm của nam giới về hậu quả của hoạt động tình dục. Nhấn mạnh quyền quyết định của phụ nữ trong quan hệ tình dục cũng như quyền từ chối trong bất cứ tình huống nào", bác sĩ Dung nói. Bà cũng cho rằng giới trẻ cần được học về các kỹ năng sống để ra quyết định đúng đắn (đồng ý, từ chối, thương thuyết), phản đối áp lực của người khác…
Trở ngại hiện nay là nhiều người lớn cũng không hiểu hết về giới tính nên không có cách giải thích phù hợp cho giới trẻ. Kết quả nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu phát triển xã hội tại Hà Nội, TP HCM và 8 tỉnh đại diện cho 8 vùng địa lý cho thấy, tỷ lệ trẻ từng nói chuyện với bố mẹ về các vấn đề liên quan đến tình dục khi 14 tuổi rất thấp. Khoảng 3% người ở độ tuổi này hiểu biết đầy đủ về tình dục, hơn 53% là không biết gì.
Điểm cốt lõi để nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên chính là nâng cao nhận thức đối với ông bà, cha mẹ, giáo viên… “Không bao giờ là quá sớm để dạy trẻ những kiến thức về giới tính, tình dục. Tùy từng lứa tuổi, cha mẹ có thể lựa chọn cách giải thích phù hợp, tránh những kiểu ‘nói cho có’, phi lý như trẻ chui ra từ nách”, bác sĩ Dung chia sẻ.
Phương Trang
* Tên nhân vật đã được thay đổi.