Bệnh trĩ thường gặp ở những người bị táo bón kinh niên, viêm đại tràng mãn tính, bị viêm nhiễm vùng hậu môn trực tràng, mắc hội chứng lỵ, có u ở vùng trực tràng, những người thường xuyên phải đứng hoặc ngồi lâu, phải lao động nặng hoặc phụ nữ có thai ...
Thông thường, bệnh trĩ được chia làm 3 loại: trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp. Cách chia như vậy là dựa trên vị trí của các tĩnh mạch trĩ bị giãn so với mép hậu môn, chứ không phải chỉ mức độ nặng hay nhẹ như nhiều bệnh nhân lầm tưởng. Chỉ riêng trĩ nội, người ta mới chia theo mức độ bệnh từ nhẹ đến nặng thành Trĩ nội độ 1; 2; 3 và 4.
Chảy máu và sa búi trĩ là 2 triệu chứng chính của bệnh trĩ.
Chảy máu là triệu chứng có sớm nhất và thường gặp nhất. Lúc đầu chảy máu rất kín đáo, tình cờ bệnh nhân phát hiện khi nhìn vào giấy chùi vệ sinh sau khi đi cầu hoặc nhìn vào phân thấy vài tia máu nhỏ. Về sau mỗi khi đi cầu thì máu chảy thành giọt hay thành tia. Nặng hơn nữa bệnh nhân chảy máu khi đi lại nhiều hay ngồi xổm. Đôi khi máu từ búi trĩ chảy ra đọng lại trong lòng trực tràng rồi sau đó mới đi cầu ra nhiều máu cục.
Sa búi trĩ thường xảy ra trễ hơn sau một thời gian đi cầu có chảy máu, lúc đầu sau mỗi lần đại tiện thấy có khối nhỏ (búi trĩ) lồi ra ở hậu môn và tự tụt vào được. Càng về sau búi trĩ càng lớn dần và không tự tụt vào được mà phải dùng tay nhét vào. Cuối cùng búi trĩ đó thường xuyên nằm ở ngoài hậu môn.
Ngoài hai triệu chứng chính trên, bệnh nhân có thể có kèm theo các triệu chứng khác như đau khi đi cầu, ngứa quanh hậu môn. Thông thường, trĩ không gây đau, triệu chứng đau xảy ra khi có biến chứng như tắc mạch, sa trĩ nghẹt hay do các bệnh khác ở vùng hậu môn như nứt hậu môn, áp xe cạnh hậu môn… Triệu chứng ngứa xảy ra do búi trĩ sa ra ngoài và tiết dịch gây viêm da quanh hậu môn, dịch tiết làm cho bệnh nhân cảm thấy hậu môn lúc nào cũng có cảm giác ướt và ngứa.
Theo đông y, bệnh trĩ phát sinh do dinh dưỡng không đầy đủ hoặc ăn uống bừa bãi, lạm dụng các loại thức ăn, uống cay nóng như tiêu, ớt, cà phê, rượu, thuốc lá... làm chức năng vận hóa của tạng tỳ bị tổn thương; Thứ nữa là do thần kinh con người bị kích thích quá mức, các stress làm cho tinh thần mỏi mệt bất an dẫn đến hại tỳ; Thứ ba là lao lực qua độ làm cho nguồn tinh khí bị hao tán, nên không đủ để đưa lên nuôi dưỡng tỳ dương. Tạng Tỳ đã hư thì làm cho Vị cũng suy theo. Khi Tỳ, Vị đã hư yếu thì sẽ không vận hóa được thủy cốc (tiêu hóa thức ăn), nên chất dinh dưỡng không hấp thu được mà thành thấp nhiệt, đàm trọc ứ đọng làm phát sinh các búi trĩ, tạo thành dịch tiết gây ngứa ngáy vùng hậu môn. Tỳ hư không làm chủ được cơ nhục, làm cơ nhục hư yếu, dương khí hư gây nên chứng hạ hãm, sa giáng, nên các búi trĩ sa xuống (lòi dom). Tỳ hư không nhiếp được huyết, làm chảy máu khi đi đại tiện. Thấp nhiệt tích đọng ở đại trường làm hao huyết, khô tân dịch nên đại tiện bị táo bón.
Hoa hòe giúp cầm máu và co búi trĩ
Như vậy, có thể khẳng định rằng tất cả các nguyên nhân phát sinh bệnh trĩ đều tác động đến trung tiêu, làm tỳ vị hư yếu khiến bệnh trĩ bùng phát. Vì vậy, để điều trị hiệu quả và ngăn ngừa sự tái phát của bệnh trĩ, ngoài việc điều trị các triệu chứng (làm tiêu búi trĩ, chống táo bón, chống chảy máu...) thì phải tập trung vào điều trịnguyên nhân gây bệnh (gốc của bệnh), tức là phải bồi bổ trung tiêu, nuôi dưỡng khí huyết, làm cho Tỳ, Vị được cường tráng, dương khí được đầy đủ thì bệnh ắt tiêu tan.
Từ xa xưa, Y học cổ truyền đã biết sử dụng bài thuốc Bổ trung ích khí do Lý Đông Viên chế ra và các biến pháp của bài thuốc này với tác dụng điều bổ Tỳ vị, thăng dương ích khí để chữa bệnh trĩ (lòi dom) rất hiệu quả.
Việc điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp, giữ được trạng thái tâm lý vui vẻ, thoải mái cũng góp phần tăng hiệu quả điều trị bệnh cũng như phòng ngừa bệnh tái phát trở lại.