Ăn mặn cũng có thể mắc ung thư dạ dày
Theo thống kê của tổ chức ung thư toàn cầu, ở Việt Nam mỗi năm có 16.000 trường hợp mắc mới và hơn 11.000 trường hợp tử vong do ung thư dạ dày. Đây là căn bệnh ung thư thường gặp xếp thứ 2 ở nam giới (sau ung thư phổi) và xếp thứ 5 ở nữ giới,
Tuy con số mắc và tử vong là rất lớn, nhưng cũng giống như ung thư phổi, hiện nay các nhà khoa học chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác dẫn tới căn bệnh này, mà chỉ đưa ra những yếu tố nguy cơ có thể mắc bệnh.
Theo PGS.TS Phạm Duy Hiển – nguyên Phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương, nguy cơ dẫn đến bệnh ung thư dạ dày có thể chưa thành hai nhóm đó là: ngoại sinh và nội sinh.
Theo đó, các yếu tố nguy cơ ngoại sinh đầu tiên phải kể đến đó chính là chế độ ăn uống. Được biết, chế độ ăn uống nhiều muối (ăn mặn, ăn trên 5gr muối/ngày) không chỉ có tác hại đối với tim mạch mà còn làm tan các màng niêm mạc phủ trên thành dạ dày làm cho các chất độc và các chất có khả năng gây ung thư có trong thức ăn tiếp xúc trực tiếp với các tế bào niêm mạc gây tổn thương cho các tế bào đó.
Những đồ chiên rán, đặc biệt là mỡ rán đi rán lại là một trong số những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh ung thư dạ dày.
Ngoài ra, nhóm người thường xuyên dùng thịt rán, thậm chí rán nhiều lần, dùng dầu mỡ đã cháy rán lại…sẽ có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao hơn, nhất là với ung thư dạ dày. Bởi, khi ở nhiệt độ cao có thể biến các chất không gây ung thư thành các chất gây ung thư, ngay cả dầu rán và mỡ.
Một vấn đề nữa đó là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là các nước đang phát triển như Việt Nam cũng là một vấn nạn. Theo đó, thực phẩm còn dư lượng cao các chất thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, tăng trọng, nhất là thuốc bảo quản thực phẩm…sẽ không chỉ gây ngộ độc thực phẩm ngay trước mắt mà về lâu dài rất nhiều khả năng gây ung thư cho người dùng thường xuyên với liều dùng không gây nhiễm độc cấp.
Ngoài những nguyên nhân trên, thì việc hút thuốc, uống rượu, viêm teo niêm mạc, nhiễm trùng …cũng là một trong những nguy cơ có thể dẫn đến bệnh ung thư dạ dày.
Riêng về yếu tố nội sinh dẫn đến bệnh ung thư dạ dày, PGS Hiển cho biết, yếu tố nguy cơ này chỉ chiếm 20% trong các yếu tố nguy cơ mắc bệnh ung thư nói chung và ung thư dạ dày nói riêng. Theo đó, những yếu tố nguy cơ nội sinh có thể mắc bệnh ung thư dạ dày như: gen di truyền hoặc các đột biến gen…
Coi chừng biểu hiện sút cân
Theo PGS Hiển, ung thư dạ dày ban đầu triệu chứng chỉ thỉnh thoảng mới xuất hiện, dần dần chúng xuất hiện thường xuyên hơn, Đặc biệt, càng muộn thì các triệu chứng càng nặng và kèm theo tình trạng gầy sút cân rõ rệt (sút 5-6kg trong vòng 6 tháng), kèm theo đó là các biểu hiện như hẹp môn vị, sờ thấy u vùng thượng vị, nôn ra máu, đại tiện phân đen hoặc sờ thấy hạch thượng đòn trái…
Để điều trị hiệu quả ung thư dạ dày cần phải được phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị đúng phương pháp.
Chính thì thế, PGS Hiển khuyến cáo cần phải cẩn trọng với chẩn đoán lâm sàng như: viêm niêm mạc dạ dày hay đau dạ dày, hoặc hội chứng dạ dày tá tràn… mà không được chẩn đoán nội soi sinh thiết.
Thực tế, có rất nhiều bệnh nhân “tự chữa” hoặc được chữa bằng những bài thuốc dân gian với các chẩn đoán trên. Tuy nhiên, đây là một sai lầm nguy hiểm. Ngoài ra, bệnh nhân ung thư dạ dày thường có triệu chứng thiếu máu ngày càng rõ như: da xanh, niêm mạc nhợt do chảy máu từ khối u. Bởi vậy, khi thấy các biểu hiện trên, cần phải đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.
Để điều trị bệnh ung thư dạ dày thì cần phụ thuộc rất lớn vào giai đoạn bệnh, cũng như thể trạng người bệnh. Bởi vậy, việc phát hiện sớm và có những phương pháp điều trị phù hợp như cắt vị trí ung thư dạ dày hoặc điều trị hóa chất …là vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, đa số bệnh nhân khi đến cơ sở chuyên khoa đều đã phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, vì thế phương pháp điều trị chủ yếu là nhằm kéo dài thời gian và chất lượng sống cho người bệnh.
Để đề phòng bệnh ung thư bệnh dạ dày, các chuyên gia khuyến cáo mọi người cần phải có chế độ ăn uống hợp lý, nhất là đối với các khẩu phần ăn. Ngoài ra, điều quan trọng nhất là phải khám sức khỏe định kỳ đối với những người có yếu tố gia đình, những người đã gặp các yếu tố nguy cơ (bị phơi nhiễm) và những người có triệu chứng “viêm dạ dày tá tràng” và đặc biệt không nên “tự điều trị”.