Thông tin được đưa ra tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tay chân miệng do Bộ Y tế tổ chức chiều 20/2 tại Hà Nội.
Trong đó, khu vực miền Nam có số mắc cao nhất là hơn 3.800 trường hợp, và có số trẻ tử vong nhiều nhất với 8 ca. Khu vực miền Bắc cũng ghi nhận số ca mắc nhiều thứ hai với gần 1.600 ca.
Tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, nếu như những tháng đầu năm 2011 không ghi nhận trường hợp mắc và tử vong nào do bệnh tay chân miệng (mãi đến tháng 6 trở đi mới có) thì năm nay, dịch xuất hiện ngay từ đầu năm.
"Đuôi dịch từ năm ngoái đến nay vẫn còn, báo hiệu một năm dịch bệnh diễn biến phức tạp, lưu hành nhiều chủng virus gây bệnh. Đối tượng mắc chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi do cơ thể chưa có kháng thể bảo vệ, chưa từng bị nhiễm bệnh trước đó", tiến sĩ Hiển nhận định.
Cũng theo ông, dù năm 2011 đã huy động nguồn lực chống dịch khá nhiều song dịch lại có xu hướng gia tăng ngay đầu năm 2012. Có thể bệnh tay chân miệng hiện không chỉ do một loại virus gây ra, mà có khả năng đồng loạt nhiều loại virus đường ruột khác nhau nên dịch mới kéo dài như vậy.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cũng khuyến cáo, hiện nhiều ca mắc tay chân miệng có biến chứng viêm cơ tim - một biến chứng nguy hiểm, dẫn tới tử vong nhanh nếu không được sơ cấp cứu kịp thời. Điều này lý giải vì sao hiện nay tỷ lệ tử vong tại các bệnh viện tuyến tỉnh cao nhất chiếm gần 89%, tuyến trung ương là 11%.
Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, những trường tử vong chủ yếu đa phần do virus EV71. Năm nay, khu vực miền Bắc cũng có những dấu hiệu gia tăng bất thường.
"Các tỉnh, thành phố cần tăng cường biện pháp giám sát, giáo dục, truyền thông. Cục Y tế dự phòng thành lập ngay các đoàn công tác tại các tỉnh trọng điểm để xuống dưới địa phương triển khai chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch", ông Long nói.
Ngoài ra, Cục Y tế Dự phòng phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và các chuyên gia tiến hành dự thảo sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh tay chân miệng.
Các chuyên gia dự báo năm nay, dịch tay chân miệng sẽ có những diễn biến phức tạp trên diện rộng, nguy cơ mắc tăng cao nhất vào các tháng 9, 10, 11. Nguyên nhân là bệnh tay chân miệng do virus đường ruột, lây theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp, không có vắcxin phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu. Tỷ lệ người chăm sóc trẻ em áp dụng biện pháp rửa tay còn thấp, công tác phòng chống dịch chưa triệt để, truyền thông giáo dục sức khỏe tại cộng đồng chưa sâu rộng.