Chính vì thế, dù đã có nhiều cảnh báo được đưa ra nhưng số người bị ngộ độc và chết hụt do dùng mật động vật vẫn liên tục được ghi nhận...
Chết hụt vì uống rượu ngâm mật
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, năm nào bệnh viện cũng tiếp nhận khá nhiều trường hợp bị ngộ độc do nuốt mật cá trắm. Ngay trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Trung tâm cũng tiếp nhận 4 trường hợp bị ngộ độc do dùng mật cá trắm để chữa bệnh hoặc để tăng cường sức dẻo dai trong chuyện ấy.
Anh Tr., 29 tuổi ở Đống Đa, Hà Nội trải qua gần nửa tháng điều trị, phục hồi chức năng gan, thận còn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại cảm giác "say" mật cá trắm.
Theo lời anh Tr., hôm ấy là ngày 5 Tết, cả nhà anh tổ chức ăn lẩu cá và mua một con cá trắm to, nặng hơn 3kg. Mừng như bắt được vàng vì mấy lần ngồi bàn nhậu nghe bạn bè mách "muốn có sức khỏe bất tận trong chuyện ấy chỉ cần nuốt mật cá trắm sống, mà trắm đen thì càng tốt", anh Tr., cẩn thận bắt vợ tách riêng mật cá để ra bát. Mặc dù mật cá đắng, tanh nhưng anh Tr., cố nhắm mắt nhắm mũi để nuốt. Khoảng chừng một tiếng sau, khi cả nhà vừa chuẩn bị ngồi vào mâm để ăn thì anh Tr., thấy đau bụng, buồn nôn, choáng váng và được gia đình đưa đi cấp cứu. Tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai các bác sĩ cho biết, anh Tr., bị ngộ độc mật cá trắm, gan bị tổn thương nặng, suy thận và đau dạ dày.
Một trường hợp khác vì muốn "cường dương" nên đã dùng mật lợn ngâm rượu để uống dẫn đến ngộ độc, suy gan, suy thận. Anh Nh., 37 tuổi ở Thái Nguyên, cũng vì nghe mọi người rỉ tai về loại "thần dược" giúp bổ dương, tiêu hóa tốt là… mật lợn nên khi gia đình mổ lợn ăn Tết, anh Nh., đã nhanh tay "xí phần" ngâm rượu và cất đi thật kỹ. Hôm sau, anh Nh., mang "thần dược" ra để thử. Sau khi uống xong 2 chén, chưa thấy "bản lĩnh đàn ông" được tăng thêm mà anh Nh., đã gặp ngay cơn đau bụng, tiêu chảy, choáng váng và phải đi cấp cứu tại tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Có thể chết vì dùng mật tùy tiện
Trong thực tế có rất nhiều trường hợp từng bị ngộ độc mật các loại động vật. Tại Trung tâm Chống độc năm nào cũng tiếp nhận, cấp cứu cho bệnh nhân ngộ độc các loại mật như mật gấu, mật bò tót, mật cá trắm, mật vịt… Thế nhưng những kinh nghiệm dân gian, những lời truyền miệng về công dụng của các loại mật vẫn có sức thuyết phục, cuốn hút khiến nhiều người chạy theo để… rước họa vào thân.
Đối với mật cá trắm, được dân gian cho là có tác dụng chữa đau dây thần kinh, bổ dương… theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, đến nay chưa có bất cứ tài liệu khoa học nào chứng minh mật cá là tốt. Thực tế, trong mật cá trắm có chứa chất độc gây suy gan, thận cấp và ảnh hưởng trực tiếp đến đường tiêu hóa. Người bị ngộ độc nhẹ thì đau bụng, nôn, đại tiện lỏng nhưng tiểu tiện bình thường, nặng thì không có nước tiểu, phù to, hôn mê và thậm chí tử vong.
Với các loại mật động vật nói chung thì đều độc vì trong thành phần có a-xít mật với độc tính khá cao. Trong dịch mật cũng có thể chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh bao gồm cả vi khuẩn gây các bệnh tiêu chảy, thương hàn (E.coli; Salmonella…).
Đó là chưa kể dịch mật chính là con đường đào thải các độc chất quan trọng nên có thể chứa rất nhiều độc tố được ăn vào và bài tiết ra qua đường mật như các kim loại nặng, độc tố nấm. Bởi vậy, khi uống nhiều mật sẽ dẫn đến ngộ độc mật với các biểu hiện: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy dữ dội, đái ít dần rồi vô niệu do viêm ống thận cấp; vài ngày sau có thể bị viêm gan nhiễm độc, biểu hiện vàng mắt, vàng da, đầy bụng chán ăn, nôn nhiều. Nặng hơn có thể dẫn đến suy gan cấp và tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Ngay cả những trường hợp cứu chữa được nhưng chi phí điều trị suy thận, suy gan cũng rất tốn kém, có thể lên đến hàng trăm triệu đồng bởi đó là những can thiệp kỹ thuật cao như lọc máu; dùng các loại thuốc lợi tiểu liều cao, thậm chí cả thay huyết tương… Bởi vậy, để giữ gìn sức khỏe mỗi người nên biết cách lựa chọn sản phẩm bồi bổ hợp lý, khoa học chứ không nên chạy theo những lời truyền miệng, tránh tiền mất tật mang -TS. Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc cảnh báo.