Theo nhãn quan sinh học, nấm không phải là rau, cũng không phải động vật, dẫu một số loài nấm có thể săn côn trùng. Nghiên cứu kỹ hơn người ta phát hiện thành tế bào nấm được cấu tạo từ chitin, cùng vật liệu tạo vỏ giáp xác (tôm, tép) và côn trùng. Sản phẩm một chút bí ẩn về phương diện ẩm thực này cũng quý như mọi loại rau lành mạnh nhất. Dưới đây là 11 lý do cần thường xuyên đưa nấm vào thực đơn:
1. Nghèo năng lượng. Một bát nấm rơm đã rửa sạch thái lát trung bình chứa 15kcal, 2,2g chất đạm, 2,3g carbohydrate (trong đó có 0,7g chất xơ), 0g chất béo.
2. Giàu vitamin và khoáng chất. Nấm giàu các vitamin thuộc nhóm B như riboflavin (vitamin B2), axit folic (vitamin B9), thiamin (vitamin B1), axit pantothenic (vitamin B5) và niacin (vitamin B3). Nấm cũng có khá nhiều thành phần vi khoáng quý hiếm đối với cơ thể như selenium, kali, đồng, sắt và fosfor.
Nấm rơm – sản phẩm bổ dưỡng.
3. Thực phẩm chay chứa vitamin D. Nấm là sản phẩm chay duy nhất có vitamin D theo cách tự nhiên.
4. Giúp giữ “phom”. Chất xơ sẵn có trong nấm tạo cảm giác nhanh no bụng đồng thời duy trì trao đổi chất ở cấp độ cao. Trong thành tế bào nấm có hai loại chất xơ: beta-glucan và chitin, những hợp chất giảm thiểu cảm giác háu ăn. Beta-glucan giảm thiểu sự hấp thụ đường, sản xuất insulin và cắt giảm nồng độ cholesterol trong máu, hạ thấp nguy cơ xuất hiện các bệnh liên quan đến béo phì. Vitamin D của nấm cũng giúp duy trì cân nặng hợp lý. Tiếp theo vitamin B6 cải thiện hấp thụ kẽm, thành phần giảm thiểu cơn đói cồn cào và thói thèm ăn đồ ngọt, trái lại những vitamin khác thuộc nhóm B trong nấm bảo đảm hoạt động bình thường của tuyến giáp – yếu tố duy trì trao đổi chất hoàn hảo.
5. Cải thiện trí nhớ nhờ trữ lượng khá lớn choline, thành phần không thể thiếu trong hầu hết các hoạt động của hệ thần kinh – điều hòa giấc ngủ, căng cơ, các quá trình học tập và ghi nhớ. Choline duy trì cấu trúc màng tế bào hợp lý, hỗ trợ truyền tải xung điện thần kinh, điều chỉnh sự hấp thụ chất béo và làm dịu những trạng thái viêm mạn tính.
6. Giảm thiểu nguy cơ ung thư nhờ trữ lượng dồi dào các chất chống ôxy hóa. Nấm có dự trữ chất chống ôxy hóa tương đương các sản phẩm lành mạnh nhất trong các loài rau. Selenium của nấm kìm chân sự phát triển khối u, chống viêm, kích hoạt chức năng các enzym của gan và hỗ trợ nỗ lực vô hiệu hóa một số nguyên tố gây ung thư. Thông qua tác dụng điều chỉnh chu kỳ tăng trưởng tế bào, vitamin D của nấm cũng chống ung thư. Trái lại, axit folic đóng vai trò quan trọng trong tổng hợp DNA và các quá trình sửa chữa, ngăn ngừa sự xuất hiện các biến thể gen.
7. Hỗ trợ chống bệnh đái tháo đường. Thực đơn giàu chất xơ giúp hạ thấp độ đường máu ở bệnh nhân đái tháo đường typ 1, đồng thời cải thiện nồng độ đường, cholesterol và insulin ở người mắc bệnh đái tháo đường type 2. Một bát nấm xay chứa 7-10g chất xơ, tức 1/3 nhu cầu chất xơ cần bổ sung/ngày.
8. Củng cố tim. Liều đáng kể vitamin C, chất xơ và kali là món “cocktail” trong mơ dành cho tim và hệ tim mạch. Việc ăn nấm, thực phẩm giàu kali và rất nhạt (nếu không nêm quá nhiều muối, nước mắm… trong quá trình chế biến) sẽ giúp hạ áp huyết, giảm nguy cơ tăng áp huyết và các bệnh tim mạch. Chỉ cần 3g beta-glucan/ngày (liều sẵn có trong nửa bát nấm rơm thái mỏng) có thể hạ 5% nồng độ cholesterol.
9. Xây dựng sức mạnh đề kháng. Beta-glucan, chất xơ sẵn có trong thành tế bào nấm đánh thức hệ miễn dịch và sản xuất bạch cầu trong tủy xương. Thành phần selenium cũng cải thiện sức mạnh miễn dịch, bảo vệ cơ thể trước cảm lạnh và kích thích sản xuất tế bào bạch huyết typ T.
10. Loại bỏ trạng thái viêm nhiễm. Các nhà khoa học Australia thuộc Đại học Western Sydney đã nghiên cứu 115 sản phẩm thực phẩm phổ biến và đi đến kết luận, nấm có khả năng hóa giải cực mạnh các trạng thái viêm nhiễm. Các hợp chất tự nhiên sẵn có trong nấm phát huy tác dụng loại bỏ cytokine và các gốc tự do.
11. Xoa dịu stress. Tình trạng cơ thể thiếu hụt vitamin thuộc nhóm B dẫn đến rối loạn hệ thần kinh, stress, tăng trạng thái bất an, nóng nảy, mất tự tin, cáu giận vô cớ và khó tập trung. Nấm giàu vitamin B2, B3, B5… là vũ khí xoa dịu hiệu nghiệm stress.
Theo Sức khỏe đời sống