"Khám thấy toàn bộ vùng mặt bên trái của bé có nhiều vết rách lớn nhỏ, có chỗ lòi cơ nham nhở, đặc biệt vành tai trái gần như đứt, vết thương đang chảy nhiều máu. Bệnh nhân đang trong trạng thái hoảng hốt và liên tục kêu đau", bác sĩ Hằng cho hay.
|
Hình ảnh thương tâm bé gái bị chó nhà cắn. |
Người nhà bé gái cho hay, trong lúc con chó đang ăn thì bé gái mon men đến gần chơi. Theo bản năng tự nhiên, sợ mất phần, con chó lao vào cắn xé bé gái.
Theo các bác sỹ, bệnh nhi đã được sát trùng và gây tê tại chỗ, cắt lọc vết thương, khâu tạo hình vành tai trái và vùng hàm mặt. Tuy nhiên, vết thương do chó cắn thường rất nham nhở, sau khi lành có thể để lại nhiều sẹo co rút, mất thẩm mỹ.
Các bác sỹ cũng khuyến cáo, chó tuy là động vật rất gần gũi với con người, nhưng bản năng hoang dã khiến chúng có những phản ứng rất quyết liệt, nhất là đang trong giai đoạn đang ăn, ngủ, nuôi con…
Đặc biệt, do chó thường có chiều cao ngang với tầm mặt trẻ em nên vết thương chó cắn ở trẻ đa số gây tổn thương ở vùng mặt. Bộ răng chó cấu tạo thích hợp với việc ăn thịt nên vết cắn sẽ xé rách và gây thiếu hổng nhiều da cơ, gây khó khăn cho việc phẫu thuật và khó đạt thẩm mỹ.
|
Hình ảnh thương tâm bé gái bị chó nhà cắn. |
Hơn nữa, móng vuốt của chó rất bẩn nên khi cào gây khả năng nhiễm trùng cao, đặc biệt là vi khuẩn uốn ván. Vết thương do chó cắn rất nham nhở, để lại nhiều sẹo co rút. Do vậy, việc phòng ngừa tai nạn do chó cắn rất quan trọng. "Khi bị chó cắn, ngoài chích ngừa dại phụ huynh nên chích ngừa thêm cho bé huyết tháng chống vi khuẩn uốn ván (SAT)", bác sĩ Hằng tư vấn.
Ngoài ra, để tránh tai nạn do chó cắn, người nuôi chó nên nhốt hoặc xích chó lại, không thả chạy rong trong nhà hoặc đeo mõm chó lại trước khi cho tiếp xúc với người xung quanh. Các gia đình phải cho chó đi chích ngừa dại định kỳ để đảm bảo an toàn cho người xung quanh. Đối với trẻ nhỏ, hiếu động nên tránh tiếp xúc với chó trong phạm vi quá gần để tránh nguy hiểm.