Đôi sư sử án ngữ lối vào di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư
Theo đó, UBND tỉnh Ninh Bình giao Ban Quản lý quần thể danh thắng Tràng An chủ trì, phối hợp với Sở VH-TT-DL khẩn trương di chuyển các hiện vật được đưa vào Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư trái quy định, theo đề nghị của Thanh tra Bộ VH-TT-DL.
UBND tỉnh yêu cầu Ban quản lý phối hợp với Sở Tài chính tham mưu việc thanh lý đối với những hiện vật được di chuyển có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Thời gian di chuyển xong trước ngày 12/10, có báo cáo kết quả xử lý về Bộ VH-TT-DL và UBND tỉnh Ninh Bình.
Đồng thời tỉnh Ninh Bình cũng giao Sở VH-TT-DL chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành rà soát, kiểm kê tại các di tích trên địa bàn tỉnh, yêu cầu không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cơ quan, đơn vị, các làng nghề, những cơ sở kinh doanh, chế tác đá mỹ nghệ, gốm sứ, sáng tác mỹ thuật... trên địa bàn tỉnh không chế tác các sản phẩm ngoại lai.
Cặp sư tử đá trước cổng ra vào trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa
Trước đó như Báo Người Lao Động đã thông tin tại khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư (thuộc quần thể di sản thế giới Tràng An), tỉnh Ninh Bình, có tới 3 cặp sư tử đá mang phong cách Trung Quốc án ngữ ngay cổng ra vào của khu di tích này. Đây là 3 cặp sư tử được người dân cung tiến.
Không chỉ có Ninh Bình mà tại tỉnh Thanh Hóa, rất nhiều các cơ quan đơn vị có đặt các linh vật ngoại lai ngay trước cổng các cơ quan hành chính như cặp sư sử đá và hổ ở trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Y tế Thanh Hóa, UBND huyện Nga Sơn, UBND huyện Thọ Xuân, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng phát triển Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa…