Ốc bùn răng cưa gây ngộ độc. (Ảnh: Châu An/báo Tuổi trẻ).
Kết quả phân tích của Viện Hải Dương học Nha Trang cho thấy, ốc bùn răng cưa có tên khoa học là Nassarius (Alectrion) papillosus (Linnaeus, 1758); tên tiếng Anh: Pimpled Nassa; độc tố của ốc này là tetrodotoxin. Tetrodotoxin là độc tố thần kinh cực mạnh, có trọng lượng phân tử thấp, do cấu trúc hóa học khá đặc biệt nên độc tố này không hề phân hủy, biến tính trong quá trình xử lý ở nhiệt độ cao khi chế biến, nên chúng tồn tại trong các sản phẩm thức ăn đã được chế biến, xào nấu, kể cả sản phẩm cấp đông, đóng hộp.
Khi ăn phải các loài sinh vật chứa độc tố tetrodotoxin, triệu chứng ngộ độc thường xảy ra trong vòng 20 phút đến 3 giờ, nạn nhân có cảm giác tê, rát bỏng ở môi và đầu lưỡi, sau đó lan dần đến chân tay, đôi lúc có kèm đau đầu, đau bụng, đau cánh tay, đi đứng loạng choạng, nôn mửa dữ dội, rồi khó thở, hôn mê, hô hấp ngưng trệ do bị tê liệt cơ hô hấp... Nạn nhân có thể tử vong sau 30 phút hoặc 8 giờ nếu không được cấp cứu kịp thời.
Như đã đưa tin từ trước, sáng ngày 15/12/2014, anh Nguyễn Văn Q. (30 tuổi, chồng chị X.) thả lưới cào bắt cá, cua, ốc ở vùng biển xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.
Anh Q. có vớt được 14 con ốc lạ đem về luộc cả nhà cùng ăn. Luộc ốc xong, ông D. ăn 5 con, bà H. ăn 7 con, chị X. và bé L. (con anh Q., chị X., 6 tuổi) ăn 1 con.
Hơn một giờ sau, cả bốn người đều bị nôn ói, tay chân co giật, da tím tái. Anh Q. đưa cả bốn người đi bệnh viện cấp cứu nhưng cháu L. không qua khỏi.
(Tổng hợp)