|
Đoàn công tác Quốc hội thị sát tại địa điểm xây dựng sân bay Long Thành sáng 11/12. Ảnh: Hoàng Trường
|
Sau chuyến khảo sát, làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, đại diện các bộ, ngành và các chuyên gia kinh tế đều cho rằng việc xây dựng sân bay Long Thành là cần thiết. Trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án cần thiết và cấp thiết. Trong khi đó, nhà sử học Dương Trung Quốc nêu quan điểm: “Quốc hội với chức năng của mình, nếu không chấp thuận làm dự án này thì sẽ gây lãng phí rất lớn cho việc quy hoạch trong nhiều năm nay. Lẽ ra dự án này phải được làm sớm hơn rất nhiều so với thời điểm hiện nay”.
Làm việc với đoàn công tác, UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, dự án sân bay Long Thành là công trình trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên, dù được phê duyệt quy hoạch từ 2005 nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai, làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân nên việc sớm triển khai là mong muốn lớn nhất của chính quyền và người dân nơi đây.
Để đảm bảo việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng dự án theo đúng tiến độ và quy định của Luật đất đai 2013, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng cho phép tách tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải quyết việc làm, tổ chức lại cuộc sống cho các hộ dân thuộc dự án này giao cho UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy Ban Kinh tế Quốc hội, Trưởng đoàn công tác đánh giá cao những nỗ lực chuẩn bị dự án của Đồng Nai cũng như thực hiện các phương án tiền khả thi đối với dự án sân bay Long Thành. Người đứng đầu Uỷ ban kinh tế quốc hội cũng đồng tình với tỉnh Đồng Nai trong việc nếu dự án được được triển khai thì Chính phủ cân nhắc tách tiểu dự án đền bù, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ đời sống của người dân để UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư.
Dự án sân bay Long Thành được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch vị trí, phân khu chức năng vào năm 2005. Đầu tư nằm trên địa giới hành chính của 6 xã thuộc huyện Long Thành với diện tích 5.000ha. Mục tiêu của dự án là đưa sân bay này trở thành cảng hàng không quốc tế cấp F4, có công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm với tổng mức đầu tư 18,7 tỷ USD chia thành 3 giai đoạn.
Khi triển khai, dự án trên sẽ ảnh hưởng đến khoảng 4.540 hộ dân với trên 14.400 nhân khẩu. Theo UBND tỉnh Đồng Nai nguồn kinh phí để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các hộ dân và tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án là 13.097 tỷ đồng.
theo vnexpress