Bị chắn mất đường đi
Khi dự án đường cao tốc được triển khai, một số đoạn đường dân sinh hiện hữu tại xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ bị chặn lại để phục vụ thi công. Bà Nguyễn Thị Long (ngụ ấp 1, xã Sông Nhạn) cho biết: “Nhà tôi cách vườn có vài trăm mét nhưng bây giờ mỗi ngày phải đi vòng cả chục cây số để qua hầm chui mới tới nơi. Ngày nắng còn đỡ, ngày mưa đất lầy đi lại rất cực, nhất là khi phải vận chuyển phân bón, nông cụ để chăm sóc tiêu, điều. Không những vậy, tụi tôi giờ còn bị thương lái ép giá các mặt hàng nông sản vì lý do xe không thể vào mua tận nơi”.

Vì mất đường dân sinh, người dân huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai phải luồn lách qua khu vườn cây để đi. Ảnh: V.HỘI
Trong khi đó người dân ở ấp 6, xã Sông Nhạn cũng đang gặp khó vì đường cao tốc chắn đường ra khu trung tâm. Gần 40 hộ dân nơi đây hằng ngày đi làm, đi chợ, đưa con em đi học… đều phải băng tạm qua lối đi tự mở ngay sát công trình đang thi công. “Đơn vị thi công có làm hầm chui tạm để người dân băng ngang công trường. Nhưng do nền của hầm chui thấp hơn so với mặt đường, lại không có hệ thống thoát nước nên hầm thường xuyên bị ngập, đầy sình lầy nên chúng tôi rất khổ sở” - bà Lê Thị Năm cho hay.
Nhanh chóng khắc phục
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Chủ tịch UBND xã Sông Nhạn Võ Đại Minh Hoàng thừa nhận quá trình thi công dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã phần nào ảnh hưởng đến cuộc sống của một bộ phận dân cư. UBND xã Sông Nhạn đã có văn bản gửi ban quản lý dự án đề nghị sớm mở đường dân sinh cho người dân.
Ông Hoàng cho hay theo thiết kế ban đầu thì dọc hành lang của đường cao tốc có mở đường dân sinh phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư đã xây dựng hệ thống thoát nước nhằm tránh gây ngập lụt cho diện tích trồng lúa của địa phương. Vì vậy phần đất để mở đường đi như thiết kế ban đầu không còn nữa. “Địa phương đã làm việc với ban quản lý dự án đường cao tốc để có phương án mở thêm đường dân sinh song hành và những đường tạm băng ngang tuyến cao tốc để bà con ra rẫy, vườn” - ông Hoàng khẳng định.
Trong khi đó, lãnh đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (gọi tắt VEC) cho biết: Việc xây dựng hệ thống đường song hành và cầu vượt nối liền hai bên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây để đảm bảo giao thông nội vùng thuộc trách nhiệm của địa phương. “Tuy nhiên, do ngân sách của địa phương còn hạn chế nên UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi Bộ GTVT kiến nghị bổ sung một số tuyến đường dân sinh vào đầu mục công việc của dự án đường cao tốc và đã được chấp thuận. Hiện VEC đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai xây dựng các đoạn đường dân sinh” - lãnh đạo VEC khẳng định.
Vị này cho biết thêm VEC cũng đã yêu cầu nhà thầu khẩn trương nạo vét bùn đất, làm cống thoát nước để khắc phục tình trạng đọng nước, sình lầy trong hầm chui nhằm tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân.
Theo dongnai24h