“Tôi chụp bằng điện thoại Nokia Lumia 1020, chế độ Panaroma. Chụp xong tôi đi rửa mặt quay lại thì quầng sáng cũng đã biến mất. Tôi thấy nó khá lạ, đặc biệt là trong thời điểm mây đen vần vũ do mưa” - tác giả bức ảnh cho biết.
Hai quầng sáng lạ chụp từ xa
Cận ảnh 2 quầng sáng
Lý giải cho bức ảnh này, ông Nguyễn Đức Phường - nguyên Phó tổng Thư ký Hội thiên văn và vũ trụ Việt Nam, hiện là cán bộ ĐHQG Hà Nội - nhận xét: Trong tấm ảnh có hai mảng sáng hình đĩa chồng lên nhau như chiếc đĩa bay.
Trường hợp thứ nhất, đó có thể là hình ảnh của chiếc đèn trần trong nhà phản chiếu qua tấm kính cửa sổ. Khi chụp ảnh quang cảnh bên ngoài cửa kính thì hình ảnh nhận được sẽ là hình ảnh của đèn trần bị phản chiếu chồng lên ảnh quang cảnh bên ngoài. Chiếc đèn trần nhà khi nhìn chéo sẽ có dạng đĩa bay và hơn nữa bị phản chiếu qua lớp kính nên độ sáng giảm. Việc độ sáng và kích thước của đèn trần nhìn có vẻ như khá phù hợp với độ sáng của hình ảnh cảnh quan bên ngoài nên dễ tạo cảm giác là có vật thể bay không xác định (UFO) đang ở bên ngoài.
Về nhận định này, tác giả bức ảnh nói đúng là anh có chụp sau một tấm kính lớn của khách sạn. Tuy nhiên, theo anh, nếu có phản chiếu thì phải phản chiếu cả những đồ vật khác nữa.
Ông Nguyễn Đức Phường cho rằng khả năng thứ hai có thể đây là đám mây hình đĩa vốn là một hiện tượng khí tượng khá phổ biến ở những khu vực gần đồi núi, nơi những luồng không khí ổn định thổi qua sườn núi và đỉnh núi. Tại đây, các giọt hơi nước ngưng tụ thành đám mây có dạng đối xứng như chiếc đĩa bay.
Tuy nhiên, khả năng này cũng thấp vì bầu trời Hà Nội khá u ám, luồng không khí không ổn định và thiếu nhiều điều kiện để hình thành nên những đám mây đĩa bay.
Dù vậy, ông Phường bác bỏ khả năng đây là vật thể bay không xác định vì “đó là điều không tưởng”.