Ngày 9/5, tại Nghệ An đã xảy ra một vụ ngộ độc, khiến 1 trẻ nhỏ tử vong. Nguyên nhân tai nạn được cho là ngộ độc thủy ngân có trong lọ đựng tăm.
Bệnh nhi là cháu Lê Văn Huy (17 tháng tuổi) khi ở nhà cùng với bố, cháu Huy thấy khát nước nên đã tự đi tìm để uống. Lúc này thấy một ít nước trong cốc nên cháu Huy lấy để uống. Loại nước mà cháu Huy uống là dung dịch thủy ngân chảy ra từ hộp đựng tăm bị vỡ trước đó.
Sau khi uống loại dung dịch này được ít phút, cháu Huy có biểu hiện bị ngộ độc rồi hôn mê. Mặc dù đã được gia đình đưa đến bệnh viên cấp cứu tại bệnh viện Sản – Nhi Nghệ An, sau đó tiếp tục được chuyển ra Hà Nội để điều trị, nhưng do bị nhiễm độc quá nặng cháu Huy đã tử vong.
Lọ tăm nhựa có chứa hóa chất độc hại rất nguy hiểm đối với trẻ nhỏ
Nhận định về ca ngộ độc tử vong tại Nghệ An, BS Thường cho biết: “Bằng kinh nghiệm khám chữa bệnh của mình, tôi cho rằng nguyên nhân dẫn đến tử vong của cháu bé chưa chắc đã là ngộ độc thủy ngân”.Thực tế, những trường hợp tai nạn hoặc ngộ độc hóa chất ở trẻ nhỏ tại các gia đình không phải là hiếm. Nguyên nhân đều do sự bất cẩn từ phía phụ huynh. Để phòng tránh ngộ độc cũng như tai nạn cho trẻ nhỏ, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Ths. BS Nguyễn Văn Thường – Trưởng khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội).
Theo BS Thường, thủy ngân là chất dễ bay hơi và chi phí khá đắt đỏ, bởi vậy với việc sản xuất một hộp đựng tăm dù là hình hộp có màu trang trí thì họ cũng sẽ không dùng thủy ngân vì tốn kém. Đó có thể chỉ là chất hóa học tạo màu dùng trang trí.
“Những chất này cũng độc không kém so với thủy ngân, thường có mùi vị rất hắc và sộc, bởi vậy khi trẻ uống phải sẽ gây co thắt thanh môn, khí quản. Đặc biệt khi hít vào sẽ gây ngộ độc, có thể tử vong ngay tại chỗ”, BS Thường phân tích.
“Thực tế tại khoa Nhi, bệnh viện Xanh Pôn đã cấp cứu cho không ít trường hợp bị tai nạn như trên. Ví dụ điển hình như trường hợp, uống phải nước sôi hay uống phải dầu luyn… những trường hợp này nếu không phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng”, BS Thường cho biết.
Theo BS Thường, tất cả những tai nạn, ngộ độc xảy ra với trẻ nhỏ tại gia đình đều xuất phát từ sự bất cẩn của chính các bậc phụ huynh. Bởi vậy, những gia đình có trẻ nhỏ cần phải rất cẩn trọng khi cất để đồ đạc. Đối với những loại chất lỏng độc hại, thậm chí là những vật dụng dễ hóc cần phải để xa tầm với cả trẻ.
Những trường hợp trẻ bị hóc dị vật, phụ huynh cần bình tĩnh để xử lý
Trong trường hợp trẻ bị hóc dị vật, các bậc phụ huynh cần phải hết sức bình tỉnh để xử lý. “Nhiều phụ huynh khi thấy con bị hóc thường dùng tay móc dị vật hoặc cho ăn miếng thật to để làm trôi dị vật, điều là là vô cùng sai lầm bởi nó đẩy dị vật vào sâu hơn”, BS Thường khuyến cáo.
Theo đó, khi trẻ bị hóc dị vật, cần phải dùng biện pháp Heimlich để sơ cứu cho trẻ ban đầu. Đối với trẻ lớn có thể để trẻ nằm sấp sau đó vỗ lưng để dị vật bật ra ngoài. Còn đối với trẻ nhỏ có thể để nằm sấp trên một cánh tay, tay còn lại vỗ lưng trẻ để đẩy dị vật ra ngoài. Sau khi sơ cứu bước đầu, cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.
Theo Khám Phá