Trong một ngày, lãnh đạo xã Mỹ Thạnh An (TP.Bến Tre) phải ký trên 30 đơn xin tạm nghỉ kinh doanh của các hộ sản xuất thạch dừa trong xã, với lý do không tiêu thụ được sản phẩm. Trước đó, xã này có 17 cơ sở khác xin nghỉ. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, địa phương nổi tiếng với mặt hàng thạch dừa chỉ còn 20/67 cơ sở duy trì hoạt động. Không chỉ Mỹ Thạnh An, người sản xuất thạch dừa tại nhiều địa phương ở Bến Tre cũng lao đao bởi giá thạch dừa xuống thấp, rơi vào cảnh lỗ lã do bị ép giá.
|
Một tàu đang bốc dừa trên sông Hàm Luông xuất sang Trung Quốc |
Ông Nguyễn Văn Đắc, Phó chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre (BTCA), cho biết 90% thạch dừa trong tỉnh do thương lái Trung Quốc bao tiêu nên họ quyết định giá cả, sản lượng, thậm chí chất lượng mặt hàng. Theo một chủ cơ sở thạch dừa tại Mỹ Thạnh An, ban đầu các thương lái Trung Quốc đến từng hộ sản xuất gom thạch dừa thô với giá cao. Họ mở đại lý thu mua ồ ạt, dẫn đến cơn sốt thạch dừa tại địa phương. Thấy có lời, nhiều hộ dân bắt đầu học hỏi quy trình để làm thạch dừa xuất khẩu khiến nhiều cơ sở sản xuất thạch dừa thành phẩm ở Bến Tre phải điêu đứng vì không có thạch thô để chế biến. Chỉ trong một thời gian ngắn, thương lái Trung Quốc đã thống lĩnh thị trường thạch dừa ở Bến Tre.
Cũng như với nhiều sản phẩm ở nhiều địa phương khác, ngay sau khi chi phối thị trường, thương lái Trung Quốc hạ giá thạch dừa xuống tận đáy. Từ chỗ mua thạch thô giá 3.950 đồng/kg, đến nay họ đã hạ giá chỉ còn 1.300 đồng/kg. Đến lúc này, người sản xuất thạch dừa ở Bến Tre rơi vào thế “việt vị” vì lỡ đầu tư sản xuất. Nhiều gia đình phải gánh nợ nần do lỗ.
Theo ông Đắc, không chỉ thu mua, nhiều người Trung Quốc còn đến Bến Tre thuê đất, trực tiếp điều hành sản xuất thạch dừa theo quy trình của họ. Qua tìm hiểu, có ít nhất 5 công ty do người Việt Nam đứng tên nhưng thực chất do thương nhân Trung Quốc quản lý. Giới kinh doanh dừa ở Bến Tre không lạ gì những A Thao, A Vương, A Giàu, A Mã…đó là những người đã có mặt nhiều năm ở đây. "Còn số mới thì rất nhiều” - một lãnh đạo BTCA cho biết.
Các sản phẩm họ sản xuất, thu gom đều không có nhãn mác trong khi quy trình làm thạch dừa đã được cơ quan chức năng quy định rất chặt chẽ. Thậm chí các cơ sở sản xuất thạch dừa thô còn sử dụng phân DAP, SA - loại dùng cho cây trồng để làm chất “phụ gia”. Qua kiểm tra của Đội Công tác liên ngành tỉnh Bến Tre, hầu hết các cơ sở sản xuất thạch dừa thô đều vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo BTCA, chưa bao giờ dừa lại rớt giá thảm hại như lúc này. Nếu như cuối năm 2011, giá dừa còn ở mức 150.000 đồng/chục (12 trái) thì bây giờ chỉ còn từ 12.000-15.000 đồng/chục. Ngoài biến động chung của giá dừa thế giới, một số mặt hàng từ dừa đang bị nước ngoài quyết định từ sản lượng, chất lượng đến giá cả.
Không chỉ chi phối thị trường thạch dừa, tình hình thu mua sản phẩm dừa của thương lái Trung Quốc cũng có vấn đề. Báo cáo kết quả kiểm tra xuất khẩu dừa của Sở Công thương Bến Tre cho thấy, đã có thỏa thuận ngầm giữa các thương lái nước ngoài với các doanh nghiệp sản xuất dừa ở đây để lách luật xuất khẩu dừa nguyên trái. Theo đó, các thương lái Trung Quốc cử người lên tàu để trực tiếp điều hành việc thu mua, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chỉ làm theo sự điều hành để hưởng hoa hồng từ 30-40 đồng/trái. Việc mua ở giá nào, số lượng bao nhiêu đều do thương lái Trung Quốc quyết định. |
Theo Thanh Niên