- Theo anh, thế nào là một người lịch lãm? Đó là tố chất, hay là một thứ có thể học được khi trải nghiệm qua nhiều thăng trầm của cuộc sống?
- Tôi thích câu quảng cáo của Longines: “Lịch lãm là một thái độ”. Thái độ của bạn đối với cuộc sống thế nào, bạn biết trân trọng người khác và trân trọng chính bản thân mình đến đâu thì bạn lịch lãm đến đấy.
Thái độ của bạn là do những trải nghiệm trong đời của bạn tạo ra, nhưng tố chất bẩm sinh cũng đóng vai trò rất lớn. Có những người bé tí, nói chưa sõi, nhưng cốt cách đã có cái gì đó rất thanh lịch, và ngược lại cũng có những người đã sống gần hết cuộc đời, trải nghiệm nhiều thứ nhưng không lịch lãm tí nào và cũng không hề có nhu cầu thành người lịch lãm.
Tự trong máu có tố chất để lịch lãm thì mới ham học hỏi những điều khiến bản thân được lịch lãm và có học rồi thì lịch lãm hơn; lại thêm những trải nghiệm trong đời khiến mình có dịp học thêm hoặc đối chiếu những điều học được…
Nói chung tôi thích thứ lịch lãm kín đáo, kết hợp với khả năng tự trào và lòng vị tha với sự thiếu lịch lãm của người khác.
|
Với ông chủ Luala, trào lưu sống chậm mới thực gần với sự xa xỉ và lịch lãm |
- Là ông bố của ba cậu con trai, theo anh, sự giáo dục dành cho trẻ nhỏ thì phải tuân thủ những nguyên tắc nào?
- Nói thật là việc nuôi dạy ba đứa con tôi là do vợ tôi đảm nhiệm hết. Tôi đi vắng nhiều, gặp con mỗi tuần chỉ mang tính chất chơi đùa với con, nhiều khi còn làm hỏng một số chương trình của vợ tôi đã vất vả từ đầu tuần để uốn nắn trẻ.
Từ đó tôi mới thấy, giáo dục trẻ con thì quan trọng là trong nhà đừng có tranh chấp nhau quá, để cho chúng có được cảm giác bình an và thư thái khi lớn lên, không phải thỏa hiệp hay nhượng bộ người này, lấy lòng người kia, toàn là những thứ khiến sự tự tin và khả năng quyết đoán của trẻ con - mà sau này là những người đàn ông - sẽ bị teo tóp ngay từ bé.
Còn dĩ nhiên, dạy trẻ con thì chúng tôi tuân theo những thứ căn bản mà hầu như cặp bố mẹ nào cũng được dặn: tập cho trẻ yêu thiên nhiên, lễ phép với người lớn, không ỷ lại, không tị nạnh, không ích kỷ, không nói xấu hay đổ lỗi cho người khác… Những thứ ấy, nói thì dễ, nhưng để thành nếp thì không đơn giản tí nào.
- Có vẻ như ngược lại với việc đưa âm nhạc hàn lâm xuống vỉa hè, mang những giá trị nghệ thuật đỉnh cao đến gần hơn với công chúng, thì LUALA lại là một thương hiệu thời trang rất đắt tiền, có vẻ hơi xa lạ với số đông người tiêu dùng Việt, nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay. Cái ý đồ đầy lịch lãm của anh có bị “phản tác dụng” không?
- Thời trang, nhất là thời trang cao cấp, cũng là một hình thức nghệ thuật cao. Một bộ quần áo hay phụ kiện đắt tiền không đắt vì được gắn vàng bạc châu báu mà chủ yếu đắt vì sự sáng tạo trong kiểu dáng, tinh tế trong chất liệu, tỉ mỉ trong kỹ thuật.
Chúng tôi lựa chọn một phân nhánh đặc biệt của thời trang cao cấp, tập trung phân phối những thương hiệu thỏa mãn tiêu chí sang trọng một cách kín đáo, có cá tính, không chạy theo trào lưu mù quáng và có một thái độ sống tích cực. Vì thế chúng tôi cũng chọn những loại hình nghệ thuật gần gũi với tinh thần chung đó, như nhạc cổ điển, nhạc jazz, mỹ thuật để ủng hộ.
Ở nước nào cũng thế thôi, khi kinh tế phát triển, sẽ sinh ra các tầng lớp tiêu dùng khác nhau, các cấp hàng hóa khác nhau. Giai đoạn khó khăn này của kinh tế Việt Nam cũng chỉ là nhất thời và chấp nhận cuộc chơi kinh tế thị trường thì cũng phải chấp nhận có phân hóa xã hội, có một tầng lớp giàu có.
Giàu có một cách chính đáng là điều tốt và chúng ta cũng không thể đòi hỏi người giàu không được quyền chi tiêu hợp với khả năng tài chính của họ. Thay vì điều đó, nâng cao ý thức xã hội của người giàu có lẽ là việc nên làm.
LUALA Concert là một dự án nghệ thuật vì cộng đồng được tài trợ bởi LUALA, một cách gián tiếp đây cũng là những đồng tiền mà khách hàng của LUALA đóng góp. Nói cách khác, mỗi người mua hàng của chúng tôi, tuy là để phục vụ nhu cầu tiêu dùng cao cấp của bản thân, cũng đang góp phần làm nên một LUALA Concert cho cộng đồng.
- Nếu có thể tạo được một trào lưu làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu triệu người theo một nghĩa tốt đẹp, anh muốn khuấy động (cái có sẵn nào) hay tạo nên một trào lưu hoàn toàn mới nào?
- Tôi không có tham vọng làm gì ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu triệu người cả, vì để biết mình thực sự muốn gì cho cuộc đời mình đã là khó, nói gì đến việc quyết định hộ cả triệu triệu người về cuộc sống của người ta cái gì là hay và thuyết phục người ta tin vào điều đó.
Hiện tại thì tôi rất tâm huyết với mô hình làm thương hiệu bằng các dự án có lợi cho cộng đồng ở lĩnh vực mà mình yêu thích, và tôi mong sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp chọn cách làm này. Quan trọng là phải chọn lĩnh vực mình thích để hỗ trợ, vì khi đó mình mới hết lòng hết sức với nó, không thì chỉ là a dua hình thức mà thôi.
Về lối sống, thì nói thật là càng tiếp xúc với thế giới của phù hoa, của hàng hiệu, của sự kiện, của người nổi tiếng, tôi càng thấy thích trào lưu sống chậm. Với tôi bây giờ, xa xỉ nhất có lẽ là ở nhà chơi với các con, hoặc khóa điện thoại tắt máy tính ngồi chơi không vài ngày mà không phải lo mình tụt hậu, mình lãng phí thời gian, mình vô tích sự.
Tôi thấy trào lưu sống chậm mới thực là gần với sự xa xỉ và lịch lãm, như quý tộc ngày xưa vậy. Nhịp sống hối hả hiện giờ nhiều khi cũng thật vô nghĩa, khi hối hả kiếm tiền, hối hả khẳng định mình để có khả năng tài chính để hối hả mua sắm những sản phẩm xa xỉ mà người làm ra nó bỏ vào rất nhiều thời gian và tâm huyết, nhưng rồi cũng chỉ dùng nó cho bằng bạn bằng bè mà không thực sự tận hưởng nó.
Theo Doanh nhân Sài Gòn