Mỗi ngày thiệt hại trên 1 tỷ đồng
Tại Đồng Nai- thủ phủ chăn nuôi lợn của các tỉnh Nam Bộ, người chăn nuôi bị thiệt hại nghiêm trọng do ảnh hưởng của chất "tạo nạc" gây ra. Bà nguyễn Thị Thêu - một hộ chăn nuôi gia đình ở thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc cho biết, gia đình bà vừa xuất chuồng 20 con lợn thịt, lên bàn cân được hơn 2 tấn. Tuy nhiên, giá bán lợn lúc chỉ còn 45.000 -46.000 đồng/kg.
"So với đợt xuất chuồng cách đây 3 tháng, cũng bầy lợn chừng ấy con, gia đình tôi bị thiệt đến 20 triệu đồng (lúc ấy 55 .000 đồng/kg). Giá cả như thế này thì nuôi tiếp sẽ lỗ to nên tôi quyết định treo máng nghỉ một thời gian…" - bà Thêu cho biết thêm.
Tương tự, một số hộ chuyên chăn nuôi lợn gia đình từ 10 đến vài chục con ở xã Suối Nho, huyện Định Quán, xã Xuân Quế huyện Cẩm Mỹ… cũng nghỉ nuôi do tình hình giá bán giảm, bị lỗ nên tính bỏ nghề, chuyển làm việc khác mưu sinh.
Người nuôi nhỏ lẻ lỗ nặng, doanh nghiệp cũng không khá hơn. Ông Lê Văn Mẽ - Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Phú Sơn bức xúc: Trại lợn Phú Sơn có lúc lên đến 4.200 nái và 37.000 lợn thịt, mỗi tuần xuất chuồng khoảng 700 con. Tại thời điểm này, giá bán giảm 10.000 đồng/kg so với cách đây 3 tháng. So với trước khi chất cấm trong chăn nuôi bị phát hiện, một tuần Công ty Phú Sơn chúng tôi bị lỗ khoảng 700 triệu đồng.
Ông Nguyễn Trí Công-Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết: Đàn lợn của tỉnh Đồng Nai có số lượng lớn nhất nước, với trên 1.200.000 con. Chất cấm trong chăn nuôi được phát hiện qua kết quả xét nghiệm của ngành thú y chỉ 3%/số hộ chăn nuôi là có sử dụng chất cấm, còn lại đến 97% số hộ, cơ sở, công ty chăn nuôi thì đều lành mạnh.
Tuy nhiên, với thông tin chất cấm trong lợn nói chung đã gây thiệt hại rất to lớn cho ngành chăn nuôi trong tỉnh. Chỉ tính riêng tại huyện Thống Nhất, mỗi ngày người dân, các trại chăn nuôi xuất bán ra từ 1.400 - 1.500 con. Với giá mua như hiện nay giảm sút nghiêm trọng, mỗi ngày huyện Thống Nhất đã bị thiệt từ 1 - 1,2 tỷ đồng.
Đàn lợn của gia đình anh Lê Đức Anh không xuất được vì “chất tạo nạc”
Cần làm sáng tỏ sự việc
Ở miền Bắc, thiệt hại của người nuôi lợn cũng lớn không kém. Trên địa bàn huyện Văn Giang (Hưng Yên), Công ty CP chăn nuôi Alpha Văn Giang (Hưng Yên) là điểm sáng về chăn nuôi lợn với hàng nghìn con mỗi lứa.
Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại lợn của mình, ông Nguyễn Hồng Hà - Giám đốc Công ty buồn rầu: “Nhà mình nuôi lợn đã lâu, trong chuồng lúc nào cũng có tới 1.000 con, trước đây ngay cả khi xảy ra dịch lợn tai xanh, rồi lở mồm, long móng, mình đều chống chọi được hết. Còn lần này, với bão “chất cấm” thì chịu”. Suốt từ cuối tháng 3, đầu tháng 4 đến nay, việc bán lợn của công ty ông Hà gặp rất nhiều khó khăn, giá rớt từng ngày, mà nếu bán được còn may.
Ông Hà nói: “Hồi đầu tháng 3, mình còn bán được 55.000-57.000 đồng/kg lợn hơn, thì đùng một cái có thông tin về chất cấm, từ đó giá lợn cứ giảm dần, đến nay chỉ còn độ 45.000-48.000 đồng/kg. Tính ra, với mỗi con lợn 100kg, tôi đã mất ít nhất 800.000 đồng. Cả lứa lợn 1.000 con đợt này, mất đứt 800 triệu đồng”.
Anh Nguyễn Văn Vinh (hộ chăn nuôi ở Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “40 con lợn của tôi đang đến kỳ xuất chuồng, nhưng gọi mãi thương lái chẳng đến bắt, cứ mỗi ngày mình lại mất thêm vào trăm nghìn tiền cám. Nếu bán từ đầu tháng thì còn kiếm được vài đồng lãi”. |
Tại thời điểm này, trong chuồng lợn của công ty ông Hà vẫn còn đến cả mấy trăm con. Theo ông Hà, đặc thù của nuôi lợn là đến lứa thì phải xuất, nếu càng nuôi thêm sẽ càng lỗ, vì chi phí thức ăn rất cao, lợn đến cữ lại tăng cân chậm, nên dù giá có xuống vẫn cứ phải bán. “Chúng tôi đề xuất các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để làm sáng tỏ sự việc, để cho người dân hiểu, không quay lưng lại với thịt lợn như thời gian vừa qua nữa” - ông Hà bức xúc nói.
Tuy quy mô chăn nuôi “bé” hơn, song “vụ” lợn này, ông Nguyễn Hữu Mẫn - chủ trang trại ở thôn Thụy Khuê, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai (Hà Nội) cũng mất hàng chục triệu đồng do chất cấm. Ông Mẫn cho biết: “Sau khi có thông tin sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi, giá lợn giảm đột ngột, tôi mới chỉ xuất 3 tấn lợn hơi, đã mất đứt 30 triệu đồng”.
Trong chuồng nhà ông Mẫn hiện vẫn còn tới 100 con lợn chuẩn bị được xuất chuồng, nhưng vẫn đang cố nuôi cầm chừng đợi giá lên. Song theo ông Mẫn, nếu giá cứ xuống, thì vẫn đành phải bán, cứ càng nuôi càng chết. Ông Mẫn tâm sự: “Người nuôi lợn chúng tôi vốn đã chịu quá nhiều rủi ro. Nếu cứ để tình trạng này kéo dài, có khi sau lứa lợn này, tôi đành phải bỏ để làm nghề khác”.
Chị Lê Đức Anh, ở xóm Đông, xã Phú Diễn (Từ Liêm, Hà Nội) nói: “Tôi nuôi lợn gần chục năm nay, lúc nào trong chuồng cũng khoảng 100 con, nay chỉ nuôi 80, nhưng chưa năm nào làm ăn khó như năm nay. Đáng ra năm nay người chăn nuôi phải thắng mới đúng, vì giá cao, nhưng đùng một cái lại xảy ra chuyện chất tạo nạc, người tiêu dùng e dè với thịt lợn, nên giá xuống thê thảm. Cách đây hơn chục ngày tôi bán 20 con gần 3 tấn lợn hơi với giá 66.000 đồng/kg, nay giá chỉ 53.000 – 55.000 đồng/kg nhưng gọi mãi mà thương lái chẳng thèm đến bắt”.
Rõ ràng, những thiệt hại của người chăn nuôi lợn là rất lớn. Nếu cơ quan chức năng không có giải pháp hỗ trợ cũng như định hướng lại thông tin, việc người chăn nuôi bỏ nghề là điều có thể nhận thấy được ngay.