Lý do: doanh nghiệp chưa chăm chút, phủ kín kênh phân phối truyền thống này.
Không chỉ người tiêu dùng thiệt thòi, nhiều thương hiệu trong nước cũng đang mệt mỏi với cuộc chiến hàng giả ở chợ.
Hàng giả... như thật
Bà Tâm, chủ sạp chuyên bán các loại hóa mỹ phẩm tại chợ Hòa Hưng (Q.10, TP.HCM), kể cách đây vài năm mỗi ngày ít nhất có 4-5 lượt người tìm đến sạp để tiếp thị và bán... hàng giả. Các sản phẩm chào bán với giá chỉ bằng một phần ba hoặc nửa giá hàng thật, sản phẩm nhìn không khác sản phẩm chính hãng là mấy. Cũng có tiểu thương mua sản phẩm loại này để bán kiếm lời, nhưng người mua sau khi đem về sử dụng đã quay lại mắng vốn và tẩy chay luôn chủ sạp.
Hàng giả thương hiệu VN sản xuất tại nước ngoài!
Đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết trong năm 2011 đơn vị bắt giữ hàng trăm ngàn sản phẩm giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, công nghiệp với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Bên cạnh các sản phẩm ngoại nhập, các sản phẩm trong nước có uy tín, bán chạy bị làm giả ngày càng nhiều. Các sản phẩm kỳ công gây dựng thương hiệu như Việt Tiến, Kềm Nghĩa, nón Sơn... đều bị làm giả. Không chỉ sản xuất lén lút tại các quận huyện vùng ven, đối tượng làm giả còn tổ chức làm giả tại Trung Quốc, Campuchia rồi đưa vào trong nước tiêu thụ. Trong đó, điểm tiêu thụ phổ biến vẫn là các chợ đầu mối, chợ truyền thống tại nông thôn.
|
Nhiều tiểu thương khá cảnh giác với hàng giả vì sợ mất khách, nhưng có tiểu thương bị sập bẫy do tin tưởng nhân viên tiếp thị và sản phẩm làm giả giống y hệt sản phẩm thật. “Sản phẩm giả còn dán cả tem chống hàng giả thì làm sao người bán nghi ngờ. Khi người tiêu dùng phản ảnh dùng sản phẩm không hiệu quả tôi vẫn chưa tin hẳn. Chỉ đến lúc công ty cử người đến xác minh, khẳng định đó là hàng giả tôi mới tá hỏa” - bà Tâm nói.
Tương tự, bà Minh tại chợ Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình) bức xúc bởi sản phẩm giả luôn có giá thấp hơn hàng thật. “Khách hàng không biết thật giả như thế nào nên họ thường xuyên so sánh giá cả giữa các sạp khác nhau. Mình giải thích chưa hẳn họ đã tin trong khi lại làm mất lòng sạp khác”.
Theo bà Minh, một sản phẩm kem dưỡng da do doanh nghiệp trong nước sản xuất giá khoảng 120.000 đồng thì sản phẩm giả tương tự chỉ có giá 30.000 đồng! Hiện nay, tình trạng các sản phẩm trong nước bị làm giả đa dạng với mẫu mã giống đến 99%.
Tại các chợ rất dễ kiếm những sản phẩm giả hoặc nhái cố tình gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng như nước rửa chén Vỹ Hảo, bột giặt Vĩ Mô, bánh kẹo Erio, mỹ phẩm Todacao... Hàng giả, hàng nhái tung hoành tại chợ với hàng loạt mặt hàng từ quần áo, giày dép, túi xách đến mỹ phẩm, nước hoa, dầu gội, cứ mặt hàng gì bán chạy là bị làm giả, không kể giá trị.
Ông Nguyễn Hữu Phước, giám đốc Công ty Thanh Nga, chủ thương hiệu Aihao, cho biết phải nói là “nhanh như hàng giả” thì mới đúng vì sản phẩm mới nào vừa tung ra, trong vòng một tháng thị trường đã tràn ngập hàng giả. Kinh khủng hơn, sản phẩm giả nhưng giống y như thật từ bao bì, vỏ hộp đến màu sắc, điểm khác duy nhất là chất lượng bên trong hộp kem! Ngay bản thân nhà sản xuất nhìn bản sao của sản phẩm mình làm ra cũng bối rối vì không dễ nhận biết.
Để ứng phó việc bị làm giả, sản phẩm Aihao phải nhiều lần thay đổi tem nhãn, mẫu mã
Mất thị phần vì hàng giả
Theo ông Nguyễn Hữu Phước, phần lớn “tác giả” các sản phẩm hàng giả, hàng nhái là những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ không có giấy phép sản xuất. Cũng có không ít cơ sở sản xuất có sản phẩm riêng, thương hiệu đàng hoàng nhưng do hàng sản xuất không bán được, sẵn công nghệ, máy móc họ chuyển sang làm hàng giả, hàng nhái. Theo các doanh nghiệp, mỹ phẩm, bánh kẹo và quần áo thời trang là những mặt hàng bị làm giả, làm nhái nhiều nhất, chỉ cần thương hiệu nào bán chạy thì lập tức sẽ bị làm giả.
Aihao là trường hợp đau lòng của thương hiệu Việt, sau nhiều biện pháp chống hàng giả không hiệu quả, doanh số của doanh nghiệp này hiện sụt giảm 70%. “Công ty tìm đủ cách kêu gọi cảnh sát kinh tế, quản lý thị trường, luật sư vào cuộc nhưng như một dịch bệnh, cứ dập chỗ này lại xuất hiện điểm sản xuất hàng giả khác.
Truy tìm nguồn gốc xưởng sản xuất hàng giả, công ty mới vỡ lẽ không chỉ những xưởng sản xuất ở khu vực TP.HCM, sản phẩm của Aihao còn bị làm giả tại Cần Thơ, Long An” - ông Phước nói.
Đến nay tỉ lệ hàng giả sản phẩm Aiho chỉ còn 1% nhưng không phải do công ty khống chế thành công mà do hàng đã bị mất niềm tin của người tiêu dùng. Theo đại diện của Công ty Kềm Nghĩa, rất nhiều sản phẩm của công ty bị làm giả một cách tràn lan mà không thể kiểm soát được. “Người làm hàng giả bỏ mối trực tiếp tại các chợ, chiết khấu cao khiến công ty thiệt hại về kinh tế lẫn uy tín” - ông này cho biết.
Ông Nguyễn Viết Hồng, tổng giám đốc Công ty cổ phần Vina CHG, đơn vị chuyên cung cấp giải pháp chống hàng giả, cho biết trong năm 2011 đơn vị nhận được hơn 20 yêu cầu hỗ trợ các loại tem chống hàng giả của các doanh nghiệp trong nước.
“Nhiều công ty thừa nhận bản thân họ cũng khó có thể phân biệt hàng thật, giả bởi mức độ tinh vi của sản phẩm. Do đó, việc gắn tem chống hàng giả không chỉ giúp người tiêu dùng mà còn hỗ trợ bản thân doanh nghiệp nhận biết sản phẩm thật giả” - ông Hồng nói. Tuy nhiên, ông Hồng cũng thừa nhận ngay cả tem chống hàng giả cũng đang bị làm giả rất tinh vi.