|
Ông Choo Chiau Beng (trái), người có thu nhập cao nhất trong số các CEO hàng đầu của Singapore, tặng quà lưu niệm nhân dịp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hai giàn khoan Keppel đóng cho PetroVietnam |
Năm 2010, thu nhập của Thủ tướng Lý Hiển Long là 3,07 triệu SGD (tức 2,26 triệu USD - theo tỉ giá trung bình năm 2010 của Cục Thuế Singapore).
So với lương của nguyên thủ các quốc gia giàu có tương đương và đông dân hơn nhiều lần - Tổng thống Mỹ Barack Obama (400.000 USD), Thủ tướng Úc Julia Gillard (498.000 USD), Thủ tướng Anh David Cameron (223.000 USD) - lương của ông Lý thuộc hàng “khủng”.
Một quyết định giảm lương lãnh đạo Singapore hồi đầu năm nay sẽ khiến thu nhập của ông Lý giảm xuống còn 2,2 triệu SGD (1,7 triệu USD)/năm. Mức lương này sẽ được truy ngược áp dụng từ tháng 5/2011, thời điểm chính phủ mới nhậm chức sau cuộc tổng tuyển cử ngày 7/5 mà đảng cầm quyền bị mất phiếu đáng kể. Trong khi lương giảm không làm cho ông Lý “nghèo hơn” nguyên thủ các nước khác, thì ông vẫn “chẳng giàu có” gì cho lắm nếu so với các CEO của những tập đoàn lớn trong nước.
Chưa kể, lương ông Lý có thể bị Quốc hội bỏ phiếu cắt giảm, nhưng lương cố định của các CEO thì không giảm dù công ty có làm ăn thua lỗ.
Báo Straits Times cho biết, lương các CEO chỉ thay đổi ở khoản tiền thưởng, tùy thuộc vào kết quả làm ăn cả năm của công ty. Tiền thưởng thường chiếm một tỷ lệ đáng kể trong tổng thu nhập của các CEO. Ví dụ tổng giám đốc Wee Ee Che của tập đoàn tài chính United Overseas Bank có mức tiền thưởng chiếm đến trên 80% tổng thu nhập. Tuy nhiên, gần đây có nhiều chỉ trích từ công chúng và cổ đông của các công ty về mức thưởng “khủng” dành cho các CEO.
Và vì thế, “giờ đây, ngoài việc xem xét kết quả kinh doanh và tình hình tài chính để quyết định tiền thưởng, các công ty còn phải cân nhắc môi trường xung quanh. Có quá nhiều ý kiến từ cổ đông, nhà đầu tư và công chúng chỉ trích mức chi cho các giám đốc điều hành”, Kevin Ong, chuyên gia tiền lương khu vực Đông Nam Á của tập đoàn nhân lực Towers Watson nói.
Theo Thanh Niên