Heineken, hãng đồ uống lớn thứ ba thế giới vừa đề nghị mua toàn bộ số cổ phần còn lại của nhà sản xuất Tiger Beer, Công ty bia châu Á - Thái Bình Dương (APB), với giá gần 6 tỷ USD. Trong số này có 40% cổ phần nắm giữ bởi công ty Singapore Fraser and Neave (F&N). Heineken hiện sở hữu 42% cổ phần tại APB.
|
Tiger sắp sửa hoàn toàn về tay Heineken. Ảnh: Bloomberg |
Hành động này diễn ra chỉ một ngày sau khi Thai Beverage của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi tỏ ý muốn mua 22% cổ phần tại F&N và công ty của con rể ông mua 8,4% cổ phần APB. Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ thâu tóm đắt giá nhất của Heineken kể từ khi hãng này bỏ ra 7,4 tỷ USD mua lại bộ phận sản xuất bia của Femsa - công ty đóng chai cho Coca Cola. Nhà phân tích Goh Han Peng tại công ty chứng khoán DMG & Partners cho biết động thái này là để ngăn chặn Charoen gia tăng ảnh hưởng tại thị trường bia châu Á vốn đang rất hấp dẫn.
CEO của Heineken - ông Jean-Francoi van Boxmeer nói rằng: “Chúng tôi đánh giá cao mối quan hệ hợp tác với F&N trong 80 năm nay, nhưng vì một vài xáo trộn về tỷ lệ sở hữu tại F&N và APB, sự hợp tác này buộc phải thay đổi”. Ông cũng nhấn mạnh công ty mình đang hướng đến “một chương mới trong hoạt động kinh doanh tại châu Á”.
Heineken ra giá 50 USD một cổ phiếu, cao hơn 19% giá đóng cửa của APB ngày hôm qua (19/7). Các nhà phân tích cho biết động thái này vừa bảo vệ quyền lợi cho Heineken trong khu vực, đồng thời hỗ trợ cho kế hoạch mở rộng nhà máy của hãng này. Sau thông báo của Heineken, ngày hôm nay, cổ phiếu của APB niêm yết trên sàn Singapore đã bị ngừng giao dịch.
Ông Goh nhận định: “Trong quá khứ, Heineken rất thoải mái khi hợp tác với F&N, nhưng việc Thai Beverage nhảy vào mua cổ phần đã làm thay đổi mối quan hệ này. Nếu Heineken không có phản ứng kịp thời, rất có thể Thai Beverage sẽ dần tăng cổ phần trong F&N và sau đó thực sự nắm quyền kiểm soát”.
Heineken hiện chiếm 8,8% thị trường bia toàn cầu. Theo dữ liệu của Bloomberg, trong các hãng bia lớn của thế giới, Heineken có độ hiện diện thấp nhất tại các thị trường mới nổi. Năm 2011, khoảng 37% lợi nhuận của hãng này đến từ thị trường châu Âu.
Hà Thu (tổng hợp)