Chị Thanh Thủy, nhà ở Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, từ ngày có nhiều loại hạt nêm được quảng cáo làm từ thịt thăn, xương ống, nhà chị chuyển hẳn sang dùng hạt nêm thay cho gia vị, mì chính. Trước kia, chị Thủy rất tín nhiệm các loại mì chính của Miwon, Ajinomoto…., nhưng khi xu hướng dùng hạt nêm của các bà nội trợ bắt đầu, thì gia đình chị cũng chuyển sang dùng hạt nêm. “Bột canh vẫn phải dùng vì còn làm gia vị chấm, nhưng mì chính thì từ lâu lắm rồi, gia đình mình không có thói quen sử dụng”, chị Thủy chia sẻ.
Clip quảng cáo bột ngọt Miwon
Cũng chung nhận định, chị Nguyễn Thị Lý, ở ngoại thành Hà Nội chia sẻ, từ đầu năm đến nay, cả nhà đã không dùng mì chính trong các món ăn. “Cô con gái đi học ngoài đó, thỉnh thoảng mua hạt nêm về ăn, nên quen dần, lâu lắm rồi tôi không muamì chính”, chị Lý nói. Tuy nhiên, theo lời chị này, hàng xóm xung quanh nhà chị vẫn dùng nhiều mì chính, chủ yếu của Ajinomoto và Miwon dạng gói 454g, giá hơn 20.000 đồng.
Nhân viên bán hàng một siêu thị lớn tại Hà Nội cũng tiết lộ, từ lâu, hàng mì chínhnhập về siêu thị bán khá chậm. Nếu so với số lượng hạt nêm bày trên kệ, mì chínhít hơn nhiều. Nhân viên này đúc kết sau nhiều lần quan sát, khách mua mì chính chủ yếu là những người ở ngoại thành và kinh doanh quán ăn. Chị kể, có những lần, mì chính đóng gói loại 1-2kg khuyến mại mạnh, rẻ hơn nhiều so với hạt nêm nhưng khách vẫn thờ ơ. “Tuy nhiên, nhiều người cũng vẫn dùng bột canh (trong đó đã có tỷ lệ mì chính) với mắm, mà không dùng cả hạt nêm hay mì chính”, chị này tiết lộ.
Trong các quận nội thành, tỷ lệ người tiêu dùng mua mì chính còn thấp hơn. Bà Nguyễn Thị Hạnh, quản lý siêu thị Unimart tại phố Phạm Ngọc Thạnh, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, từ 2 năm nay, tỷ lệ người dùng mì chính ít hơn rất nhiều so vớihạt nêm. Không có thống kê chi tiết, nhưng theo bà Hạnh, lượng tiêu thụ hạt nêmluôn gấp 2-3 lần so với mì chính. “Đặc biệt, 100% người nước ngoài mua hàng tại đây đều chọn hạt nêm thay cho mì chính. Những người chọn mì chính, chủ yếu là các bà nội trợ trong nước, nhưng tỷ lệ này rất thấp”, bà Hạnh chia sẻ.
Clip quảng cáo bột ngọt Ajinomoto
Theo quản lý siêu thị nói trên, loại hạt nêm tiêu thụ mạnh nhất là Knorr, sau đó làAji-Ngon và Maggi. Lý do là, hãng Knorr hay có các chương trình khuyến mại, đồng thời có nhiều vị để người tiêu dùng lựa chọn hơn các hãng khác. Bà Hạnh chia sẻ, cũng có nhiều lùm xùm xung quanh hạt nêm liên quan đến thành phần, chất lượng, nhưng tính chung, lượng tiêu thụ mặt hàng này vẩn ổn định và tăng cao hơn so với mì chính.
Giá bán các loại mì chính hiện tại đều rẻ hơn so với hạt nêm. Mì chính Ajinomotoloại 454g giá phổ biến 20.000-25.000 đồng/gói. Trong khi đó, hạt nêm Aji-Ngoncùng thương hiệu Ajinomoto bán tại siêu thị loại 900g/gói có giá trên 61.000 đồng, tính ra cũng hơn 30.000 đồng cho 450g, đắt hơn mì chính 10.000 đồng; loại hạt nêm 210g giá gần 17.000 đồng, trong khi giá mì chính 200g phổ biến khoảng 10.000 đồng. Các loại hạt nêm khác của những thương hiệu không sản xuất mì chính như Maggi, Chinsu, Knorr giá cũng dao động 16.000-19.000 đồng/gói 200g và trên 30.000 đồng/gói 450g.
Theo nhận xét của một số bà nội trợ, tần suất xuất hiện của những quảng cáo về mì chính cũng thấp hơn so với hạt nêm. Một phần vì số lượng nhà sản xuất hạt nêm“lấn át” mì chính, nhưng cũng có thể vì thói quen sử dụng gia vị của người tiêu dùng đã thay đổi.
Trong các quảng cáo hạt nêm, thông điệp chính của nhà sản xuất luôn là “ngọt thịt, ngọt xương”, thậm chí có hãng “bạo gan” sử dụng khái niệm “không bột ngọt” nhưng sau đó bị yêu cầu gỡ bỏ quảng cáo. Còn các clip quảng cáo mì chính trước đó, chủ yếu nhấn mạnh đến tình yêu thương gia đình mà không xoáy sâu vào thành phần vì không nói thì ai cũng biết trong này có bột ngọt. “Điều này còn hợp lý hơn quảng cáo hạt nêm, khi tỷ lệ thịt và xương rất ít mà dám nói là chiết xuất từ thịt, xương”, chị Thanh Thủy - người tiêu dùng nói trên nhận xét.
Trên website của Cục an toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), GS.TS Nguyễn Thị Lâm - Viện phó Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, theo đánh giá của các tổ chức y tế và sức khỏe hàng đầu thế giới, mì chính là một gia vị an toàn. Bà Lâm cho biết, thành phần chủ yếu của mì chính là glutamate - một loại axit amin phổ biến giúp tạo chất đạm trong cơ thể sống.
Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Thị Lâm, trong các thực phẩm tự nhiên cũng đã có chứa glutamate và chất này về bản chất giống như trong mì chính. Do đó, thực phẩm chế biến từ các nguyên liệu tự nhiên thường đã có vị ngon ngọt, nên người tiêu dùng cần sử dụng liều lượng thích hợp mì chính cũng như các gia vị khác để món ăn ngon hơn.
MẠNH CƯỜNG
Theo Infonet