Mức giá 5,1 tỷ đô được đánh giá là không hề rẻ nhưng xứng đáng để Heineken bảo đảm tương lai của hãng ở khu vực châu Á trước sức ép cạnh tranh từ các công ty của Thái Lan.
Hôm 3/8, Heineken tuyên bố đạt thỏa thuận mua lại hãng bia Tiger từ Fraser and Neave (F&N) Singapore với giá 5,1 tỷ đô la Singapore (4,1 tỷ USD). Động thái này giúp Heineken nắm 82% cổ phần tại hãng bia Châu Á-Thái Bình dương (APB) và tiếp tục việc mua lại số cổ phần còn lại.
Hãng bia có trụ sở tại Amsterdam, Hà Lan này trước đó sở hữu 42% cổ phần của APB - doanh nghiệp sở hữu 24 nhãn hàng đồ uống tại châu Á, và mua lại 40% cổ phần của F&N sẽ giúp Heineken bảo vệ vị thế của mình lại châu Á trước mối đe dọa từ người giàu có thứ hai tại Thái Lan.
Heineken hợp tác với F&N sản xuất bia Tiger từ những năm 1930 nhưng mối quan hệ bắt đầu rạn nứt sau khi Thai Beverage và các hãng khác liên quan tới tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi mua lại cổ phần tại F&N và APB với giá 3 tỷ USD tháng trước.
Khoản đầu tư của Charoen, người đang tìm cách mở rộng kinh doanh sản phẩm Chang Beer của mình tại châu Á, đẩy Heineken tới quyết định chào mua APB để đảm bảo vị thế của mình tại khu vực châu Á. Hãng đồ uống Kirin của Nhật Bản cũng là một cổ đông lớn của F&N.
Hội đồng quản trị của F&N sẽ đề xuất giá 50 SGD/cổ phiếu APB cho các cổ đông của mình. Mức giá này tương đương với giá mà Heineken đề nghị 2 tuần trước và khiến các chuyên gia phân tích ngạc nhiên khi họ dự đoán rằng giá để giành quyền kiểm soát sẽ phải cao hơn. Hãng bia Hà Lan sẽ đề nghị các cổ đông thiểu số mức giá tương tự để mua lại toàn bộ số cổ phần trị giá khoảng 6 tỷ USD.
Việc kiểm soát APB thực sự quan trọng với Heineken, nhà sản xuất bia lớn thứ 3 thế giới, khi giúp nâng tỷ lệ lợi nhuận tại các thị trường phát triển nhanh châu Á trên tổng lợi nhuận của hãng từ 6% lên 15%, trong khi thúc đẩy tỷ lệ tăng trưởng của toàn bộ tập đoàn.
Với việc giành được APB, Heineken có quyền sở hữu các thương hiệu Tiger, Bintang, Anchor và các hãng bia khác, cùng với 24 nhà máy bia tại 14 quốc gia bao gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Campuchia. Tuy nhiên, thương hiệu lớn nhất của APB chính là Heineken, chiếm khoảng 30% doanh thu của hãng này.
Lượng tiêu thụ Heineken và Tiger tại châu Á Thái Bình Dương (mhl)
Theo số liệu thống kê của Heineken và Plato (tháng 10/2011), thị phần kết hợp của Heineken và Tiger tại châu Á Thái Bình Dương là xấp xỉ 32%. Kể từ năm 2001, thị phần của cả Heineken và Tiger đều tăng.
Cổ phiếu Heineken đã tăng lên mức cao kỷ lục sau khi Reuters đưa tin về thỏa thuận, và khi thông tin chính thức xác nhận được đưa ra, cổ phiếu Heineken lập đỉnh mới 46,3 euro/cổ phiếu.
Chuyên gia phân tích tại hãng môi giới Jefferies Dirk Van Vlaanderen cho rằng, giá không hề rẻ như tưởng tượng nhưng đây là thỏa thuận cần thiết để đảm bảo tương lai của Heineken tại châu Á.
Ông Van Vlaanderen tính toán rằng thỏa thuận này có giá cao gấp 17,4 lần lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA), cao hơn 15,4 lần mức giá hãng bia Anheuser Busch InBev trả cho hãng Modelo của Mexico trong tháng 6, nhưng nếu bị đẩy khỏi APB sẽ khiến Heineken không còn chiến lược lâu dài tại châu Á.
APB được xem là doanh nghiệp vô cùng hấp dẫn với tăng trưởng thu nhập hàng năm 20% trong thập kỷ qua, với vị thế dẫn đầu trong các thị trường chủ chốt như Việt Nam giúp bù đắp doanh số trì trệ tại châu Âu, vốn chiếu một nửa doanh số của hãng.
Số liệu từ Euromonitor cho biết châu Á Thái Bình Dương là thị trường bia lớn nhất thế giới, chiếm 35,3% tổng lượng tiêu thụ năm ngoái, tăng từ 34,4% năm 2010. Theo Euromonitor, năm 2011 thế giới tiêu thụ 66,97 triệu lít bia và dự kiến lượng tiêu thụ sẽ tăng lên 84,55 triệu lít năm 2016.
Vị thế hàng đầu của APB tại khu vực Đông Nam Á. Nguồn: Canadean, Plato và ước tính của APB năm 2011
Thỏa thuận với Heineken có thể thúc đẩy chấm dứt thỏa thuận của F&N với Coca-Cola, doanh nghiệp đang để mắt tới bộ phận sản xuất nước giải khát nổi tiếng 100PLUS, nước hoa quả, nước khoáng và các sản phẩm sữa của F&N.
Các chuyên gia phân tích cho rằng thỏa thuận của Heineken có thể là ngòi nổ cho cuộc chiến giành quyền kiểm soát giữa hai nhà đầu tư Thái Lan và Nhật Bản khi Thai Beverage và Kirin hiện là hai cổ đông lớn nhất của F&N với 24,1% và 15% cổ phần. Tuy nhiên, Chủ tịch Kirin Senji Miyake cho biết tập đoàn của ông tập trung vào các sản phẩm nước giải khát của F&N và không nghĩ tới việc làm gì khác với APB.
Theo VOV