Công ty TNHH Vinacopter vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị hướng dẫn các thủ tục về thuế liên quan đến thương vụ mua bán máy bay trực thăng đã qua sử dụng giữa doanh nghiệp này với một cá nhân Việt Nam.
|
Chiếc trực thăng của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cập cảng Đà Nẵng hồi tháng 7/2010. Ảnh CTV. |
Chiếc trực thăng này được doanh nhân người Việt nhập khẩu về thị trường từ tháng 6/2010 bằng tiền cá nhân, không liên quan đến tài chính của công ty. Các nghĩa vụ thuế, thủ tục hải quan... đã được cá nhân này hoàn thành ngay khi máy bay về cảng hàng không. Tuy nhiên, các quy định tại Việt Nam liên quan đến thuế chuyển nhượng tài sản nên Vinacopter không biết chiếc trực thăng khi bán sẽ chịu các loại thuế gì.
Vinacopter đề xuất các phương án gồm công ty sẽ xuất khẩu máy bay này ra nước ngoài để bán cho khách hàng tại đây. Cách thứ 2 Vinacopter sau khi mua sẽ bán lại cho cá nhân khác tại Việt Nam. Trường hợp khác công ty sẽ mua sau đó cho cá nhân khác thuê lại chiếc trực thăng này.
Trả lời thắc mắc của Vinacopter, Bộ Tài chính cho biết các quy định hiện nay chưa rõ việc cá nhân được phép mua bán máy bay tại Việt Nam hay không. Vì vậy, công ty phải liên hệ với các đơn vị chức năng có thẩm quyền để xin ý kiến.
Trong trường hợp Vinacopter mua lại chiếc trực thăng trên sau đó đem bán cho cá nhân, tổ chức khác để hoạt động tại VN sẽ phải đóng thuế VAT, thu nhập doanh nghiệp. Trường hợp Vinacopter mang máy bay ra khỏi VN, công ty không phải nộp các loại thuế trên.
Trao đổi với VnExpress.net, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - Đoàn Nguyên Đức - người đầu tiên sở hữu máy bay tại VN cho hay ông không biết gì về thương vụ mua bán kể trên. Chiếc phi cơ do ông mua cách đây gần 5 năm vẫn được ông sử dụng hết công suất để phục vụ nhu cầu công việc và chưa có nhu cầu bán.
Hồi tháng 6/2010, thị trường chứng khoán sôi động bởi cuộc họp cổ đông của Tập đoàn Hòa Phát. Lần đầu tiên, Chủ tịch Trần Đình Long thông báo việc ông mua một chiếc trực thăng để phục vụ công việc.
Hợp đồng mua bán này được ký kết thông qua Tập đoàn Hòa Phát song toàn bộ số tiền mua bán, thuê phi công, sân bay, bảo dưỡng, sửa chữa… do cá nhân ông Long chi trả. 17,42 tỷ đồng là số tiền mà ông Long chuyển về công ty để thanh toán cho khoản chi ban đầu trong hợp đồng mua phi cơ riêng.
Ông Long là người thứ hai tại Việt Nam công khai sở hữu máy bay riêng. Ông Long nằm trong danh sách người giàu sàn chứng khoán Việt trong 3 năm liên tiếp 2007, 2008 và 2009. Năm 2009, ông đứng vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng với với tài sản gần 3.000 tỷ đồng.
Nguồn tin của VnExpress.net cho biết, chiếc máy bay đang được rao bán là của ông Trần Đình Long. Tuy nhiên, ông Long cho biết chưa có việc bán chiếc máy bay của mình.
TẠP CHÍ GIA ĐÌNH -
Hồng Anh