Chị Hà Thu, sinh viên đại học ngoại ngữ Hà Nội cho hay, chị cùng 4 người bạn đi ăn bún ở vỉa hè phố Đội Cấn (Hà Nội). Cửa hàng ngoài phục vụ bún phở còn kiêm luôn miễn phí trà đá. Quán nhỏ, khách lại đông nên nhân viên phục vụ phải chạy ngược xuôi. Gọi cốc trà đá, chờ mãi không thấy nhân viên phục vụ mang ra, cả nhóm đành ngồi nói chuyện vui vẻ.
Bỗng nhiên cậu nhân viên phục vụ đặt uỵch 5 cốc trà xuống bàn trước mặt kèm theo lời giận dữ :"Đây, các người hành tôi đến chết đi. Cười nhiều, thấy ghét". Cả bọn mặt trò mắt dẹt nhìn nhau. Sau, cậu nhân viên chia sẻ, cả sáng đến tối làm vất vả, chạy ngược xuôi, khách gọi ời ời nên không tránh khỏi bức xúc và "mong anh chị thông cảm".
|
Các quán ăn vỉa hè có giá bình dân nên thường thu hút giới trẻ. Ảnh minh họa: Bách Hợp. |
Để câu khách, người bán nghĩ ra hàng loạt chiêu trò. Không ít chủ quán chửi như hát hay nhưng khách vẫn đông đến nghẹt thở. Chị Ngọc, một thực khách quen thuộc tại cửa hàng chả nhái trên phố Khương Thượng chia sẻ, vừa bước chân vào quán, bà chủ sẽ chào khách bằng một màn chửi trời, chửi đất, chửi bâng quơ ... Khách không bực mà chỉ tủm tỉm cười bởi "bà ta chửi cả làng nhưng chắc trừ mình ra", và thế là hàng quán vẫn đông nghịt.
Chị Ngọc tiết lộ, cửa hàng hút khách còn bởi tài nấu nướng và cách đặt tên món ăn độc của chủ quán, nào nhái nude, nhái mặc quần đùi... Đến khi món ăn được bày biện trên đĩa mới biết chả nhái được gọi tên theo cách sơ chế. "Những cái tên dễ thương đến ngượng người nhưng lại hấp dẫn thực khách vì đánh đúng tâm lý tò mò của họ", chị Ngọc kể.
Chuyện kinh doanh hè phố muôn hình vạn trạng và không ít chuyện cười ra nước mắt. Chị Thu, chủ một cửa hàng bán quán nầm bò nướng trên vỉa hè phố Chùa Láng cho hay, mỗi buổi tối đắt hàng, quán có thể thu 2-4 triệu đồng. Song cũng không ít buổi, chị bị lỗ vốn nặng vì bị khách "bùng" tiền. Quán bày ngay trên vỉa hè, chiếm lối của người đi bộ nên bị công an đuổi và chuyện chạy loạn đã là thường tình ở phố. Không ít trường hợp, khách hàng ăn gần xong lợi dụng cơ hội nháo nhác, "quên" không trả tiền và chuồn thẳng.
"Mặc dù biết rõ khách xấu tính nhưng chúng tôi cũng không dám lên tiếng vì thấy có lỗi khi họ đang ăn lại bị công an đuổi", chị Thu tâm sự. Còn khách hàng có cách lý giải riêng mình. Chị Phương, một thực khách cho rằng, "thượng đế" đang ăn bất ngờ bị gián đoạn là lỗi của người bán. Theo chị Phương, "trời đánh tránh miếng ăn", nên chuyện khách không trả tiền cũng có phần chính đáng.
Không như những tình huống trên, anh Hùng, một tín đồ ở hàng quán vỉa hè cho hay, anh nhiều lần gặp phải những người bán hàng trái tính trái nết chẳng giống ai. Có lần đi ăn quán lẩu bò, trong khí quán vẫn đông, thì bà chủ cho hay, không nhận thêm khách vì mệt và từ chối bán hàng. Anh Hùng nóng mặt, quay đi, vào quán bún ở chợ Đồng Xuân. Quán bún đàng hoàng ở trên phố và ngay gần đó là chỗ đỗ xe rộng rãi thoáng mát, nhưng đến khi ăn xong, lấy xe thì bị "xin" luôn 20.000 đồng phí trông xe.
"Người trông xe nói họ chẳng có liên quan đến cửa hàng bún và đương nhiên, chẳng ai giữ không công. Biết là bị 'chơi' xỏ nhưng gặp những đối tượng kiểu này thì đành cao chạy xa bay cho sớm", anh Hùng kể lại.
TẠP CHÍ GIA ĐÌNH -
Bách Hợp - Hà Đan