Một bạn gái có tên C.C.Đ. chia sẻ: “Mọi người có bao giờ nhìn thấy một tải ngô luộc, đựng trong túi ni lông, bao ngoài cùng bằng bao tải dứa? Có người nói với mình nó được luộc bằng bột thông bể phốt”.
Miếng khoai chín chỉ sau 20 phút nhờ bột thông cống.
Để kiểm chứng thông tin trên, Đ. Đã dùng một miếng khoai sống, sau đó cho vào một túi nilon, hòa một muỗng bột thông cống cùng nước, buộc kín túi. Sau 20 phút, miếng khoai có dấu hiệu chín.
Thí nghiệm trên khiến nhiều người kinh hãi và cùng làm thí nghiệm với ngô, khoai, sắn. Nhiều người cho kết quả tương tự như Đ. và cùng kêu gọi “tẩy chay” những món ăn yêu thích này.
Trả lời về việc có hay không việc sử dụng bột thông cống để làm chín khoai/ngô/sắn, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Cán bộ Viện Công nghệ Sinh học – Công nghệ Thực phẩm (Đại Học Bách khoa Hà Nội) cho biết chưa nhận được thông tin này song bản chất của bột thông cống là sinh nhiệt, làm mềm và phân hủy các chất thải, chất bẩn tắc trong cống. Do đó, khi chúng ta tiến hành thí nghiệm như trên, sẽ có phản ứng củ khoai bị mềm đi song để làm chín đem ra thị trường bán như hiện nay lại là chuyện khác.
Còn theo PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa học, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, bột thông cống có rất nhiều loại, muốn phân tích về tác hại, độc tố của chúng cần chỉ đích danh và phân tích từng thành phần của nó. Nếu nó được sử dụng để ngâm tẩm, làm chín thực phẩm đúng như phản ánh thì cần các cơ quan chức năng vào cuộc bởi bản chất, đây không không phải là phụ gia được sử dụng trong thực phẩm.
“Cần phải thận trọng khi khẳng định những người bán hàng rong có sử dụng các hóa chất này hay không để làm chín sản phẩm trước khi bán cho khách hàng bởi thực chất, chưa hề có bằng chứng về việc này. Đó có thể chỉ là tin đồn gây ảnh hưởng đến cuộc sống mưu sinh của họ”, PGS Thịnh nói.
Bởi trước đây, thông tin dùng pin luộc ngô gây hoang mang cho nhiều người thực ra chỉ là một tin đồn không có cơ sở.
“Pin là thứ không được phép dùng trong sản xuất và chế biến bất cứ loại thực phẩm nào bởi có rất nhiều hóa chất, trong đó còn chứa các kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadmium… rất độc hại đối với não, thận, hệ thống tiêu hóa và sinh sản của con người. Tuy nhiên, pin không có tác dụng làm chín thực phẩm như vậy do các phản ứng xảy ra không đáng kể. Người ta cũng không dễ tìm pin để cho vào nồi. Trong khi đó, họ hoàn toàn có thể công khai dùng muối NaHCO3 để làm nhanh chín thực phẩm”, ông phân tích.
Có thể dùng hóa chất làm chín thực phẩm
Theo PGS Côn, việc sử dụng các chất xúc tác làm thực phẩm nhanh chín, hạn chế thời gian đun nấu không phải là điều mới mẻ.
Thực chất, từ lâu, để ngô, khoai, lạc, đậu đỗ, bánh chưng nhanh nhừ người ta đã biết cách dùng thuốc muối trị bệnh dạ dày (NaHCO3) vẫn được bán ở hiệu thuốc để cho vào nồi, giảm thời gian đun nấu chỉ bằng 1/3 hoặc 1/2 thời gian thực tế.
Theo quy định của Bộ Y tế, có thể dùng 1-2 thìa canh trong 1 kg thực phẩm. Loại muối này là một chất được phép dùng, an toàn đối với hệ tiêu hóa.
Đồng quan điểm, PGS Thịnh cũng cho biết muối natri hydro carbonat – NaHCO3 có tác dụng điều chỉnh độ chua, chống đông vón và tạo xốp. Vì thế, bột nhừ thường được sử dụng để ninh thức ăn nhanh chín, tiết kiệm thời gian và năng lượng đun nấu.
“Nhiều loại bột được bán trên thị trường hiện nay chính là loại muối này”, PGS Thịnh khẳng định.
Theo Phunutoday