Nguyên nhân khiến Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra quyết định tạm ngừng nhập khẩu trái cây từ Úc do dịch ruồi giấm Địa Trung Hải đang bùng phát tại đây, nếu tiếp tục nhập khẩu trái cây từ nước này thì khả năng ảnh hưởng đến trồng trọt trong nước là rất lớn.
Theo các nhà chuyên môn, ruồi giấm Địa Trung Hải không có ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng nhưng là đối tượng dịch hại nguy hiểm, các nước trên thế giới đều kiểm soát nghiêm ngặt loại dịch bệnh này đối với cây trồng.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho hay, hai loại trái cây chính mà Việt Nam nhập khẩu từ Australia là nho và cherry, ngoài ra còn khoảng 36 loại trái cây khác cũng được quyết định tạm dừng nhập từ nước này kể từ ngày 1/1/2015.
Hiện Úc là nước lớn thứ 5 cung cấp trái cây cho Việt Nam sau Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ và Myanmar. Theo số liệu từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong những năm gần đây, nhu cầu tiêu dùng trái cây cao cấp tăng mạnh nên lượng trái cây nhập khẩu từ các nước châu Âu, châu Mỹ và Úc tăng khá mạnh. 10 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã nhập khẩu trên 2.000 tấn trái cây từ Úc, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2013.
Nếu tính về sản lượng thì trái cây nhập khẩu từ Úc chiếm khoảng 10% - 15% tổng lượng trái cây nhập khẩu của Việt Nam.
Thời điểm tạm ngừng nhập khẩu trái cây từ Úc rơi đúng vào thời điểm chuẩn bị đến Tết Nguyên Đán Ất Mùi, nhu cầu về trái cây, đặc biệt là trái cây cao cấp của người tiêu dùng trong nước tăng mạnh khiến cho nhiều người lo ngại giá cả sẽ tăng lên do nhu cầu tăng lên trong khi nguồn cung có thể giảm.
Chị Nguyễn Minh Phương, trú tại Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội cho hay, nhà chị rất hay mua táo Úc. Chị Minh Phương nói: “Bình thường giờ là có thể mua được táo của Úc, hai con nhỏ nhà tôi rất thích ăn. Nhưng một tuần nay, các cửa hàng trái cây không còn bán, cherry Úc cũng không thấy bán vì cửa hàng bảo đang tạm ngừng nhập. Nếu không nhập được ở Úc thì không biết giá cả các loại trái cây nhập từ Mỹ, Thái về có bù được không, có bị tăng giá không?”
Các loại táo được nhập khẩu từ nhiều thị trường khác nhau. Ảnh: Bảo Anh
Không lo ngại giá trái cây nhập khẩu tăng cao
Trước lo ngại của người tiêu dùng rằng giá cả các loại trái cây nhập khẩu có thể sẽ tăng lên do thị trường nhập khẩu bị thu hẹp trong khi nhu cầu tiêu dùng trong nước lại tăng cao trước Tết Nguyên Đán, ông Nguyễn Xuân Hồng khẳng định, sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá tại trái cây nhập khẩu từ các thị trường khác.
Nguyên nhân theo ông Nguyễn Xuân Hồng, sản lượng trái cây nhập từ Australia chiếm từ 10% - 15% tổng sản lượng trái cây nhập khẩu, đây là tỷ trọng không lớn lắm và hoàn toàn có thể thay thế bằng các thị trường khác.
Về phía doanh nghiệp nhập khẩu, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty CP Phát triển Sản phẩm Việt cho hay, việc tạm dừng nhập khẩu trái cây từ Úc kể từ ngày 1/1/2015 chưa có tác động lớn đối với giá cả các mặt hàng trái cây nhập khẩu.
Theo lý giải của ông Nguyễn Văn Thành, nho đứng đầu bảng về lượng nhập từ Úc nhưng thời điểm này chưa bước vào vụ nho, mà phải từ tháng 3 Dương lịch sắp tới. Do đó, riêng với quả nho, hầu hết các doanh nghiệp nhập khẩu trái cây đang nhập từ Mỹ, Chile…Đối với mặt hàng cherry, các doanh nghiệp sẽ chuyển sang nhập của NewZealnad. Riêng đối với mặt hàng này, hiện đúng là có chuyện giá nhập vào đã tăng dù chưa rõ nguyên nhân tăng giá, một doanh nghiệp chia sẻ.
Còn đối với mặt hàng táo, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ NewZealand, Mỹ, Canada, trong đó NewZealand là chủ yếu. Theo ông Nguyễn Văn Thành, riêng với mặt hàng táo nhập khẩu từ Canada và Mỹ trong thời gian vừa qua, giá bán trên thị trường đã giảm tới 20% so với năm 2013 do sản phẩm nông sản của EU khó tiêu thụ hơn sau lệnh trừng phạt kinh tế với Nga. Do đó, nguồn cung táo và giá cả tại thị trường hiện đang rất tốt, kể cả không có lệnh tạm ngừng nhập từ Úc thì các doanh nghiệp cũng nhập chủ yếu tại khối thị trường trên.
Theo khampha